Chia sẻ kinh nghiệm đúc kết khi tập Ashtanga

Chào mọi người,

Tính đến thời điểm hiện tại, mình đã duy trì việc tập Mysore Ashtanga Yoga được gần một năm. Trong khoảng thời gian đó, mình đã có chừng 1-2 tháng gián đoạn bỏ cuộc giữa chừng bởi sự khắt nghiệt quá mức khi tập Mysore. Purna phải công nhận một điều rất rõ ràng là Ashtanga Yoga đòi hỏi một sự kiên trì bền bỉ – thái độ tuân thủ kỉ luật rất lớn từ người tập. “99% là rèn luyện, 1% là lý thuyết” chính là chân lý thành công dành cho những ai yêu Ashtanga.

Vậy tại sao chúng ta phải tập Ashtanga? Tập Ashtanga thì được những lợi ích gì? Đây cũng là những câu hỏi quen thuộc tương tự Purna nhận được khi mọi người thắc mắc về việc luyện IronMan của mình. Ngoài đam mê với yoga thì Ashtanga rèn được cho mình tính kỉ luật cao, ý chí kiên cường, thói quen lắng nghe giới hạn cơ thể và đặc biệt là tăng cường sức mạnh cũng như tăng tính linh hoạt cho cơ thể. Cũng như việc luyện IronMan, mình dự thi không phải để tranh đua, so sánh với ai; không phải để tranh giải nhất nhì mà là rèn luyện sức bền, sức mạnh ý chí và hơn hết nâng cao sức khoẻ – giới hạn chịu đựng của bản thân. Do đó, mình ngộ ra khá nhiều điểm tương đồng giữa việc tập Ashtanga và luyện ba môn phối hợp. Tất cả thành bại đều nằm ở sự duy trì bền bỉ, sức mạnh ý chí và thái độ không bỏ cuộc!

Trong bài viết ngày hôm nay, Purna muốn chia sẻ với mọi người những kinh nghiệm đúc kết được từ quá trình tập luyện Mysore của mình nhằm giúp các bạn hạn chế sai lầm cũng như duy trì việc tập luyện đều đặn hơn và tốt hơn.

Cố định thời gian biểu

Để bắt đầu quá trình tập luyện Mysore Ashtanga Yoga, việc đầu tiên là bạn phải cố định một khoảng thời gian trong ngày từ 1.5 – 2 tiếng cho việc tập đều đặn và hạn chế thay đổi. Đó nên là lúc bạn không vướng bận nhiều công việc khác, ít ảnh hưởng bởi môi trường sống xung quanh để có thể tập trung cao độ trong lúc tập luyện.

Theo kinh nghiệm của Purna, thời điểm thích hợp nhất để tập Ashtanga là buổi sáng sớm hoặc tầm trưa trước khi bạn dùng bữa trưa. Mình không phải là con người thích hoạt động nhiều vào buổi tối nên mình hiếm khi tập luyện trước khi đi ngủ. Do đó, mình chưa có trải nghiệm tập Mysore buổi tối để chia sẻ với các bạn. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm tập, bạn sẽ cảm nhận cơ thể hoàn toàn khác nhau. Lúc sáng sớm, trước khi bắt đầu ngày mới tất bật, bạn sẽ có những khoảng lặng yên tĩnh, sâu sắc hơn trong hơi thở nhưng cơ thể lúc này sẽ kém sự dẻo dai hơn. Còn buổi trưa thì sau nửa ngày hoạt động, cơ thể đã được khởi động phần nào, linh hoạt hơn và thức tỉnh hơn, tuy nhiên tâm trí sẽ dễ bị xao động bởi các yếu tố xung quanh.

Tuỳ theo thói quen sinh hoạt mà bạn chọn khung giờ tập phù hợp cho bản thân. Mình nhắc lại đó nên là thời điểm bạn có thể tập trung nhiều nhất vào việc rèn luyện cơ thể và theo dõi hơi thở. Thêm vào đó, bạn nên cố định khung giờ đó để ấn định việc tập luyện đều đặn, tránh bỏ cuộc giữa chừng.

Thuộc chuỗi bài

Việc làm quan trọng thứ hai là bạn nên học thuộc chuỗi bài Mysore. Dĩ nhiên trong thời gian đầu bạn có thể bật video clip nghe các thầy cô hô động tác và đọc nhịp để tập theo cho dễ nhớ. Đó là một dạng Guided Ashtanga Yoga. Tuy nhiên, ngoài lợi ích tập đúng bài, đúng nhịp thì nhược điểm lớn nhất của việc tập theo hướng dẫn đối với người mới tập là bạn sẽ bị “chạy” theo người khác, mệt mỏi với động tác và không hít thở đều.

Việc học thuộc chuỗi bài sẽ giúp bạn tự tập theo hơi thở của mình tốt hơn, kiểm soát di chuyển theo nhịp thở riêng của mình, quan trọng hơn là có nhiều thời gian cho việc vào thế/ giữ thế/ tự chỉnh sửa thế lâu hơn theo khả năng bản thân.

Hãy chịu khó học thuộc và tập đều là chừng một tuần là nhớ hết đó mà! Yên tâm nha! Đây cũng là cơ hội để bạn học thêm tên tiếng Phạn của các động tác yoga.

Cố gắng vượt lên chính mình

Thú vui lớn nhất mà Purna cảm được từ quá trình Ashtanga là sự vượt lên chính mình mỗi ngày một chút. Những ai chưa tập qua Ashtanga có thể nghĩ “bài có nhiêu đó, tập đi tập lại hoài vậy không chán sao?”. Không bao giờ chán đâu nếu bạn cố gắng vượt lên chính mình mỗi ngày. Chỉ mỗi động tác jump back jump through xuyên suốt chuỗi để bạn có thể di chuyển thành thạo, nhảy đẹp, nhảy nhẹ và không chấn thương, rèn luyện theo năm đó người ơi!!!!

Mỗi ngày trải thảm ra là mỗi lần Purna phải nhẩm thần chú cố gắng tập tốt hơn, cảm nhận động tác tốt hơn, hít thở sâu hơn, tập trung cao độ hơn nữa. Có vậy bạn sẽ dễ dàng tìm thấy niềm vui trên con đường yoga mình đi, trong việc tập luyện chăm chỉ mỗi ngày bằng việc cố gắng tốt hơn ngày hôm qua một tí.

Giữ nhiệt độ cơ thể

Điểm mấu chốt khi tập Ashtanga Yoga là bạn phải tăng nhiệt độ cơ thể. Những chuỗi động tác liên tục từ dễ đến khó, từ sức mạnh đến linh hoạt cùng hơi thở mạnh mẽ đều giúp tăng thân nhiệt cơ thể. Đó là lí do khi tham dự bất cứ lớp Guided Ashtanga Yoga nào, người hướng dẫn sẽ không bao giờ để bạn ngồi nghỉ quá lâu, làm nguội cơ thể. Bởi khi cơ thể được làm nóng kĩ lưỡng, độ linh hoạt của bạn sẽ tăng lên, chấn thương sẽ hạn chế trong những chuỗi động tác phức tạp.

Để giữ nhiệt độ cơ thể ổn định, bạn cần tập trung cao độ trong mỗi chuyển động, hướng ý thức vào hơi thở, không nên di chuyển ra khỏi thảm cũng như làm bất cứ một việc riêng nào khác không liên quan trong lúc tập.

Tập trung vào hơi thở và điểm nhìn

Mỗi động tác trong chuỗi đều đòi hỏi bạn hít thở sâu ít nhất 5 nhịp thở hoặc hơn và tập trung vào một điểm nhìn nhất định. Đây là những yếu tố quan trọng hỗ trợ sự tập trung, tăng cường sức mạnh tâm trí của bạn. Bạn phải ý thức được :”Tôi đang trên thảm, lúc này, ngay ở đây và trọn vẹn cho Ashtanga Yoga”.

Lắng nghe giới hạn

Có một quy luật bất thành văn mà người mới bắt đầu tập Mysore Ashtanga Yoga có thể không biết là lắng nghe giới hạn bản thân. Không ai nói Ashtanga Yoga tập dễ và tập nhẹ nhàng cả. Một khi đã thử chắc chắn các bạn sẽ cảm nhận được ngay đây là yoga của sức mạnh, của sức bền, của sự linh hoạt và ý chí bền bỉ.

Mỗi khi bạn bị vướng ở động tác nào, không thể thực hiện dù đã cố gắng thì hãy học cách dừng lại ở đó và thực hiện “chuỗi nghỉ” cuối cùng rồi thư giãn. Những bậc thầy Ashtanga sẽ không để bạn đi tiếp động tác sau đó nếu bạn không thể thực hiện động tác trước đó vì điều này rất nguy hiểm và dễ dàng làm bạn chấn thương.

Chuỗi bài Mysore là một chuỗi nối tiếp liên tục, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó giúp cơ thể sẵn sàng cho những tư thế đỉnh phức tạp. Do đó, động tác trước đó sẽ là tiền đề chuẩn bị cho động tác khó hơn tiếp theo sau. Nếu đã không thể làm được cái dễ thì sao bạn có thể thực hiện được cái khó hơn.

Do đó, nếu bị vướng ở đâu dù đã cố gắng thì hãy lắng nghe giới hạn, dừng lại và ngày mai tiếp tục cố gắng hơn ngày hôm qua một chút để vượt qua sự vướng mắc đó!

Chăm chỉ bền bỉ

99% là tập luyện, 1% là lý thuyết! Đây là châm ngôn bất bại khi tập Ashtanga bạn nhé! Đừng nói hãy tập đi!

Học hỏi kinh nghiệm

Ngoài việc tự tập luyện với ý thức kỉ luật, bạn nên học hỏi kinh nghiệm từ những người tập Ashtanga thâm niên. Bạn có thể tham gia các buổi workshop, các lớp guided từ những người thầy, người cô có kinh nghiệm để làm giàu hơn quá trình luyện tập.

Duy trì nguồn năng lượng tích cực

Mỗi khi chán nản, muốn bỏ cuộc, mình hay tìm kiếm những nguồn năng lượng tích cực từ những bậc Ashtanga Master. Mình quan sát cách họ di chuyển, cách họ kiểm soát hơi thở, ánh mắt nghiêm nghị tập trung cao độ khi tập…là mình được bơm một nguồn năng lượng dồi dào để tiếp tục. Thần tượng Ashtanga lớn nhất của mình là cô Laruga Glaser. Cô luôn là nguồn truyền cảm hứng Ashtanga bất tận của mình.

Hi vọng với trái tim rộng mở, tấm lòng ham học hỏi và sự bền bỉ chăm chỉ tập luyện, Purna có thể duy trì con đường Ashtanga dài lâu. Bài viết nhỏ với động lức lớn mong góp phần truyền thêm cảm hứng tập luyện Mysore đến những ai yêu Ashtanga nhé. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe mình và nếu có đóng góp gì thì đừng quên chia sẻ với mình nhé.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *