[Nhật ký hành thiền Vipassana] Ngày 1 – Quan sát hơi thở & Ngày 2 -Bật khóc tại thiền đường

Các bạn thương mến,

Purna đã trở lại rồi đây! Tin vui là mình đã không hề bỏ cuộc và hoàn thành tốt đẹp khoá thiền Vipassana đầu tiên trong mười ngày liên tục vừa qua trong việc quan sát hơi thở tự nhiên, kiểm soát cảm xúc, rèn luyện ý chí và bình quân tâm.

Chắc hẳn một số bạn đang mong chờ chuỗi bài viết chia sẻ về quá trình hành thiền Vipassana trong mười ngày qua của Purna đúng không?! Xin lỗi đã để các bạn đợi hơi lâu nhe. Nguyên nhân chính là do Purna cần thời gian sắp xếp và cân bằng lại giữa công việc và đời sống sau khi trở về từ thiền viện. Giờ đây, mỗi ngày, ngoài việc hướng dẫn yoga, tập luyện, học hành, mình phải cố gắng trích ra từ quỹ thời gian hạn hẹp hai tiếng mỗi ngày cho hai cử thiền sáng và tối. Nghe có vẻ bất khả thi, vậy mà tính đến thời điểm hiện tại, mình vẫn duy trì đầy đủ được hai ca thiền mỗi ngày.

Sau khi thiền xong, mình thấy tâm rất bình an, cơ thể khoẻ khoắn, tâm trí sáng tỏ và làm việc càng hiệu quả, học hành càng năng suất hơn. Giờ các bạn cùng Purna quay ngược thời gian, hồi tưởng lại hành trình thực hành thiền Vipassana từ những ngày đầu tiên nhé. Đây là một cuộc “giải phẩu” sâu nhất về cả thể xác lẫn nội tâm từ trước đến nay mà Purna đã rất may mắn có cơ hội được trải nghiệm.

Lưu ý:

  • Bài viết mang tính cảm nhận chủ quan của mình. Các bạn đọc chỉ để mang tính tham khảo, tốt nhất là nên tự trải nghiệm khoá thiền để có nhận định riêng của bản thân.
  • Hình ảnh trong chuỗi bài viết này sẽ rất hạn chế do mình không được sử dụng điện thoại hay bất cứ vật dụng thu phát sóng nào trong mười ngày.

Thiền Vipassana là gì?

Vipassana – nghĩa là thấy sự việc đúng như thật – là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn độ. Truyền thống thiền này được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2500 năm; và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp thiền này chú trọng đến tương quan mật thiết giữa tâm và thân. Hành trình quan sát và tự khám phá này đi vào cái gốc rễ chung của tâm và thân, từ đó xóa bỏ những bất tịnh tinh thần, mang đến một tâm quân bình tràn đầy tình thương và lòng từ bi.

Ngày 1: Quan sát hơi thở

Mình chuẩn bị một chiếc túi nhỏ gọn với vài bộ áo quần vải linen mềm mại, rộng rãi, phù hợp cho việc ngồi thiền kéo dài. Ngoài những vật dụng vệ sinh cá nhân, mình không đem theo bất cứ sách, viết, thảm hay thức ăn riêng nào đến trung tâm thiền đúng theo yêu cầu của ban tổ chức.

Khi làm thủ tục check in, mình được mời đến nói chuyện riêng với thiền sư chính – người có trách nhiệm hướng dẫn trong suốt khoá học của mình. Vì biết mình là một hướng dẫn viên yoga và có hành thiền dài lâu trước đó, cô muốn bảo đảm về việc mình không áp dụng bất cứ kỹ thuật thiền năng lượng nào mà mình đã sử dụng trước đó vào trong khoá học. Có như vậy thì Purna mới có thể hiểu sâu, thực hành tốt cũng như hưởng được trọn vẹn lợi ích của Vipassana.

Bước vào phòng sinh hoạt chung, mình nhận thấy có 12 chiếc giường đơn cùng 3 nhà tắm nhỏ. Mình khá bất ngờ khi vô tình gặp lại một người bạn đồng môn cũ nằm giường kế bên. Tuy nhiên, mình phải giữ sự im lặng thánh thiền hoàn toàn, thậm chí không được xúc chạm hay giao tiếp bằng mắt với bất cứ thiền sinh nào trong mười ngày. Mình chỉ được trao đổi với thiền sư và ban tổ chức khi cần được hỗ trợ mà thôi.

Đoạn đường ngắn ngủi 15m cạnh bếp mà mình đi bộ 30ph mỗi ngày sau mỗi bữa ăn

Thiền đường lớn, ấm cúng, sạch sẽ và đơn giản. Đây là nơi duy nhất nam nữ hành thiền chung cùng nhau nhưng cách nhau ra bởi một dải khăn phân cách. Ngày đầu tiên, mình được yêu cầu một nhiệm vụ cực kỳ đơn giản: ngồi yên, quan sát hơi thở tự nhiên trong khu vực nhỏ hai cánh mũi. Đơn giản thế thôi mà kéo dài từ 4:30 sáng đến 9:00 tối. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng nếu ngồi 12 tiếng mỗi ngày, liệu bạn có đủ kiên nhẫn, bền bỉ cũng như sự tỉnh táo để định tâm, không cho tâm “lang thang rong chơi” trong lúc hít thở không. Hay cứ mỗi giây lại suy nghĩ, lại ham muốn, lại ghét bỏ, rồi động đậy hay ngủ quên lúc nào không hay!

Do đây là lần đầu tiên mình ngồi thiền lâu đến vậy nên mỗi khi được chừng 5-10 phút giải lao ngắn ngủi giữa các giờ thiền là mình thực hành ngay một số động tác giãn cơ trong Yin Yoga. Nhờ vậy mà mình đã sống sót, không đau nhức trong suốt 10 ngày ngồi “đứng hình”. Mỗi người là một cá thể khác nhau, sẽ có những phản ứng hoàn toàn khác nhau khi ngồi thiền. Purna thì đổ mồ hôi như tắm trong 30 phút đầu tiên, cứ như mới tập cardio xong. Nhưng một khi tâm đã định phần nào, mình có thể điều hoà được nhiệt độ cơ thể, hơi thở và ngồi sâu hơn. Đêm đầu tiên, mình ngủ như chết sau một ngày “lao động” rất vất vả.

Ngày thứ ha: Bật khóc giữa thiền đường

Mỗi ngày mình có ba bữa: sáng 6:30; trưa 11:00 và chiều 5:00. Mỗi bữa ăn chỉ kéo dài từ 30-40ph, sau đó sẽ ngừng được phục vụ. Tất cả thức ăn đều là thực vật và thuần chay. Mình rất thích thức ăn ở thiền viện vì rất hợp với khẩu vị ăn lạt và đơn giản của mình.

Từ ngày thứ hai trở đi, mình cắt bỏ hoàn toàn cử ăn chiều lúc 5:00 do không thấy đói cũng không có nhu cầu ăn thêm cử này. Đây cũng là quá trình 10 ngày mình tự tiến hành thanh lọc cơ thể bằng cách cắt bỏ hoàn toàn tinh bột trắng, hạn chế nạp đường cũng như thực hiện nhịn ăn 32 tiếng ở ngày thứ 11 trước khi rời thiền viện. Chế độ ăn này do mình tự kỷ luật bản thân và chủ định thực hiện chứ không phải được yêu cầu.

Trong ngày thứ hai, vùng quan sát hơi thở của mình đã không còn là hai đầu lỗ mũi nữa mà mở rộng ra tí đến khu vực tam giác giữa mũi và môi trên. Vẫn thời gian biểu cố định, mình hành thiền chăm chỉ từ sáng tinh mơ đến tối mịt. Nhưng trong ngày thứ hai, mình bắt đầu có hiện tượng nhớ con, nhớ nhà da diết. Hình ảnh hai đứa nhỏ luôn luôn luẩn quẩn trong tâm trí của mình khi ngồi thiền.

Đỉnh điểm là chiều muộn, trời âm u, mưa rả rích cả ngày khiến nội tâm mình càng bất ổn, càng đắm chìm trong âu lo, cô đơn và nỗi nhớ nhà. Thê lương hơn là mình không được mở miệng chia sẻ cùng ai, thậm chí là giao tiếp bằng mắt với bất cứ ai. Việc làm duy nhất lúc này là quay vào bên trong và hít thở.

Trong ca thiền tối hôm ấy, cảm xúc mình vỡ oà nơi thiền đường. Mình bật khóc trong câm lặng, khóc không ra tiếng, nước mắt cứ rơi lả chả liên tục đến khi ướt hết cả áo. Mình nghĩ mình sẽ không đủ sức để hoàn thành hết khoá học này. Vậy mà bài giảng pháp tối hôm ấy thật vi diệu, như mổ xẻ, như phơi bày, như thấy hết được tâm cang của mình. Rồi những khúc mắc, những chướng ngại trong lòng mình đều có lời giải đáp sau khi nghe giảng. Thế là mình lại có thêm động lực để cố gắng vượt qua những ngày tiếp theo.

Mình ý thức được rằng để có thể có mặt được trong khoá thiền này, bản thân mình đã phải hi sinh thời gian, công sức, tạm xa lớp học, rời bỏ gia đình cũng như không muốn phụ lòng hỗ trợ của gia đình. Mình phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa, học hành chăm chỉ và hành thiền nghiêm túc hơn nữa trong những ngày tiếp theo.

Cố lên Purna nhé! Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo của Nhật ký hành thiền Vipassana. Hứa hẹn nhiều chia sẻ chân thật, cực kỳ thú vị và li kỳ về hành trình phẩu thuật nội tâm của Purna đấy.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *