[Hành trình trở thành IronMan] Bắt đầu Giáo Án 70.3 – Đạp siêng – Bơi tiến bộ – Giảm chạy – Tập chuỗi Trung cấp Ashtanga

Chào cả nhà,

Sau kết thúc có hậu tại  5150 Triathlon Phu Quoc 2022, mình có hai tuần “thư giãn” trước khi chính thức bắt đầu giáo án Half IronMan 70.3 dự thi năm sau tại Đà Nẵng: bơi 1.900m; đạp 90km và chạy 21km ặc ặc. Dù có 14 ngày mang tính thư giãn nhưng thật chất mình lại thử thách bản thân tham gia giải chạy địa hình đầu tiên trong đời Laan Ultra Trail 2022 với thành tích bất ngờ hạng 4 toàn nữ của cự ly 35km. Có thể nói 2022 là một năm đầy vẻ vang của Purna khi hoàn thành nhiều mục tiêu tập luyện to lớn, đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng trong việc theo đuổi đam mê và lý tưởng sống của mình.

Quay trở lại với hành trình trở thành Người Sắt dài hơi, Purna muốn chia sẻ với các bạn một số chuyển biến thay đổi cũng như sự tiến bộ trong quá trình tập luyện theo giáo án mới của mình.

Đạp xe đều đặn siêng năng

Sau giải ba môn phối hợp tại Phú Quốc, mình ngộ ra bản thân cần chú tâm tăng cường đạp xe nhiều hơn nữa để tăng về sức bền và cả tốc độ. Cùng lúc giáo án mới của mình cũng tăng thời gian đạp xe lên rất nhiều trong một tuần bởi khi thi đấu, Purna phải đạp đến 90km thay vì 40km hix. Trời ban cho mình một bản chất lì đòn và kỷ luật mỗi khi đã quyết tâm làm việc gì.

Mình đạp xe trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, mọi mục đích haha. Ngoài 3-4 buổi/ tuần đạp theo giáo án trên ứng dụng Zwift, mình còn tranh thủ đạp xe đi dạy, đi chợ, đi đến hồ bơi, chở con đi dạo…Cứ hễ ra khỏi nhà, trong khoảng cách hợp lý và thời gian thuận tiện là mình cứ xách xe ra đạp. Mục đích chính là để đạp bền, đều, khoẻ lại tiết kiệm tiền xăng hahaha.

Bữa giờ mình đạp xe từ quận 2 ra quận 1 để hướng dẫn yoga riêng tại nhà học viên. Lúc mới bắt đầu, mình đạp lên cầu mà mệt mỏi, thở hồng hộc. Nay dù leo qua 2-3 cây cầu to nhưng chân vẫn quay đều và cảm giác đỡ mệt hơn rất nhiều. Một phần lớn nhờ tập theo giáo án IronMan, bài nặng, leo dốc mệt nghỉ, đạp nhanh đạp mạnh nên chân của mình đã khoẻ lên rất nhiều. Có công mài sắt có ngày nên kim phải không nào.

Bơi sải thành công 100m

Tèn tén ten, mình đã bơi sải liên tục được 100m rồi mọi người ơi. Cuối cùng con rùa tập bơi như mình đã chạm tới được cột mốc quan trọng này. Trước đây, bơi chừng 25m là mình bị đuối nước vì vẫn chưa tìm ra được nhịp thở phù hợp cũng như khó khăn trong việc phối hợp cơ thể dưới nước khi bơi sải.

Sau những tháng ngày không ngừng tập luyện, học hỏi cũng như lắng nghe lời hướng dẫn của coach, mình đã ngộ ra chân lý, tìm được nhịp thở thích hợp cho bản thân mình. Việc hít thở dưới nước khi bơi sải sẽ không có một quy luật nào cụ thể, phụ thuộc vào thể trạng của từng người: có người hít vào một nhịp – thở ra hai nhịp; có người hít vào một, nín thở một, rồi thở ra một…Việc tìm ra nhịp thở phù hợp với bản thân khi bơi sải là vô cùng quan trọng. Nếu không thở đủ, thở đúng, bạn sẽ không thể nào bơi bền dưới nước được.

Việc quan trọng thứ hai khi xuống nước là cách phối hợp tay chân. Lý thuyết là như vậy nhưng khi ứng dụng vào thực tế, tuỳ theo thể trạng, cơ địa và sức khoẻ của từng cá thể mà cho ra kết quả hoàn toàn khác nhau. Như Purna, nửa cơ thể bên phải phối hợp dưới nước rất tốt nhưng nửa trái thì lại yếu trong việc cảm nhận động tác, dẫn đến bơi sai tè le nửa bên trái.

Mỗi lần tập mình đều nhờ coach quay phim lại để mình có thể xem lại mình bơi ra sao dưới nước. Nhiều khi trong đầu nhớ kỹ thuật dữ lắm nhưng khi xuống hồ, mình bơi sai không hay. Nay nhờ thở tốt và phối hợp tay chân tiến bộ mà mình đã chạm đến mốc bơi sải liên tục 100m. Sẽ còn vô số thứ cần trau dồi, học hỏi về kỹ thuật bơi sải trong 20 tuần tiếp theo của mình. Đường còn dài lắm bạn ơi vì đi thi bơi đến 1.900m lần mà huhu.

Giảm chạy dưỡng thương

Sau 16 tuần tập  5150 Triathlon Phu Quoc 2022 cộng hưởng chạy địa hình 35km Laan Ultra Trail 2022, mình có hiện tượng đau gót chân bên phải. Điều này thường xảy ra với những vận động viên chạy bộ vì đặt nhiều áp lực lên gót chân. Cách duy nhất để bớt đau gót chân là giảm tần suất chạy để dưỡng thương.

Theo giáo án IronMan, mình có 3 buổi chạy một tuần với thời lượng và tốc độ quy định. Mình cố gắng chạy chậm lại nhất có thể, nhưng cũng pace 6:30 là hết mức haha. Bản chất mình khó có thể chạy chậm được. Purna sẽ cố gắng giảm tải và chạy chậm lại trong khoảng thời gian này, dành sức cho thi chạy 21km vào tháng một sắp tới.

Tập chuỗi trung cấp Ashtanga

Ngoài luồng Ironman là việc thực hành Ashtanga Yoga của mình. Mình vẫn tự thực hành đều đặn 2-3 buổi tập Ashtanga mỗi tuần tại studio của mình. Mỗi buổi kéo dài 90 phút. Ashtanga Yoga cũng như Ironman vậy đòi hỏi mình một ý thức kỷ luật cao và ý chí không bỏ cuộc.

Lâu lâu, khi sắp xếp được thời gian, mình sẽ tham gia một vài lớp Ashtanga bên ngoài có người hướng dẫn. Vô tình sau một buổi mysore cuối tuần cùng người thầy – người anh mình kính trọng, anh đã bỏ nhỏ mình một câu: “Em tập thử chuỗi Intermediate Series đi”. Mình vui lắm!!!!! Đó là một sự công nhận, thành quả cho việc gần hai năm tập miệt mài chuỗi Căn bản – Primary của mình. Nay mình được công nhận phần nào đủ sức để thực hành chuỗi Trung cấp.

Ashtanga chỉ có điểm bắt đầu chứ không có điểm kết thúc. 99% thực hành, 1% lý thuyết mà thôi. Càng thực hành nhiều, càng cảm nhận sâu sắc mối liên kết giữa cơ thể và hơi thở, bên cạnh nỗi đau là niềm vui không tưởng khi vượt lên giới hạn bản thân. Mình yêu Ashtanga!

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe mình. Hẹn gặp các bạn trong các bài viết thú vị tiếp theo, truyền cảm hứng về cuộc sống – rèn luyện của Purna nhé.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *