Bất cứ ai dừng học tập đều “lão hoá” nhanh hơn

Chào các bạn,

Hôm nay, Purna có ngẫu hứng muốn tâm sự với mọi người về việc học và tự học. Purna là một đứa chăm chỉ học hành từ bé, có thành tích học tập làm vui lòng ba mẹ ở trường chuyên lớp chọn trong suốt 18 năm từ tiểu học đến trung học phổ thông. Sau đó, mình đậu chính quy vào hai trường đại học Quốc gia theo nguyện vọng của ba mẹ, theo sự ảo tưởng về sức mạnh bản thân, theo định hướng nghề nghiệp mơ hồ. Mình trải qua những năm tháng đại học nhàm chán, học để ra trường lấy tầm bằng ĐH và đi làm kiếm tiền.

Từ thời sinh viên, mình đã thấy rất nhiều tình cảnh sinh viên bỏ học nửa chừng hoặc xin bảo lưu kết quả học tập. Điểm chung là các bạn trẻ mất niềm tin vào hệ thống giáo dục, cảm thấy chương trình học nhàm chán, không có ứng dụng thực tế, học xong chả biết làm gì. Đôi khi Purna tự hỏi có phải bản thân hèn quá không dám bỏ học hay vì mình vẫn đủ kiên nhẫn, giữ được niềm tin ngây thơ vào nền giáo dục nước nhà.

Nói về bỏ học giữa chừng, ai cũng nhắc đến Bill Gates hoặc Steve Jobs, hai huyền thoại bỏ học giữa chừng ở các trường đại học danh tiếng, sau đó lập nghiệp thành công mỹ mãn. Nhưng các bạn xem thử trên Thế giới mỗi năm có không biết bao nhiêu triệu sinh viên nghỉ học mà lại làm nên sự nghiệp lẫy lừng như Bill Gates hoặc Steve Jobs. Purna không phản đối việc bỏ học! Mỗi người đều có quyền quyết định chọn cách sống riêng cho bản thân mình, miễn sao không ảnh hưởng đến quyền sống của người khác. Purna chỉ thấy rằng Bill Gates hoặc Steve Jobs bỏ học giữa chừng vì họ biết mình muốn gì, cần gì, làm gì. Họ đã dự tính, có một kế hoạch lập nghiệp rõ ràng sau khi quyết định nghỉ học.

Còn đa phần các bạn trẻ bỏ học vì chán nản với nền giáo dục, muốn chấm dứt tạm thời những ngày tháng ngồi chai mông trên ghế nhà trường. Sau đó, các bạn chưa có dự định rõ ràng sẽ làm gì, hoặc mơ hồ nghỉ học để làm việc mình thích. Nhưng sau khi nghỉ học, với khoảng thời gian trống đột ngột như vậy, mấy ai tận dụng triệt để vào những việc hữu ích khác hay sa đà vào ngủ ngày, chơi game, lướt FB, đọc tin mạng và những hoạt động vui chơi không cần thiết.

Vậy nên nhắc đến bỏ học, mọi người sẽ dễ nhầm lẫn tất cả sự học sẽ chấm dứt tại đó. Chúng ta hay ngộ nhận rằng giáo dục truyền thống thông qua nhà trường là con đường duy nhất! Trên thực tế, đó là cách phổ biến nhất nhưng không phải duy nhất và hoàn hảo nhất. Việc tự học mới chính là chìa khoá thành công, giúp bạn nâng cao tri thức bất chấp mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, đa dạng hoá và phát triền tối đa tiềm năng của mỗi cá nhân.

Bất cứ ai dừng học tập đều già dù anh ta ở tuổi 20 hay 80.

Henry Ford

Sau khi tốt nghiệp ra trường, Purna cũng trải qua gần 4 năm làm một nhân viên văn phòng trong các tập đoàn lớn, trải nghiệm môi trường làm việc khác nhau với vai trò khác nhau. Khi ngộ ra yoga là đam mê đích thực, mình bỏ việc và xác định hướng đi tương lai dài lâu. Ngoài ra, mình không ngừng tự học, theo đuổi đam mê yoga – nấu nướng thuần chay qua sách, qua tư liệu, qua các chương trình học online trên MOOC. Rồi mình tạo dựng Purna Studio và Bếp Lành thuần chay dựa trên kiến thức, kinh nghiệm, đam mê mà mình tích luỹ được. Do đó, không cần phải học bài bản từ trường lớp, đào tạo chính quy, bạn mới có thể nâng cao kiến thức, học điều mới mẻ và kiếm sống tốt.

Thời gian rãnh ít ỏi, mình dành trọn cho việc đọc sách nghiên cứu chứ không phải tiểu thuyết ngôn tình. Mỗi ngày mình đặt chỉ tiêu đọc từ 30-50 trang.
Mỗi ngày Purna đều dành 1-2 tiếng tự học – nghiên cứu thêm nhiều về yoga
Thích vẽ đặc biệt ký hoạ – Purna học về ký hoạ

Điều mình muốn nhấn mạnh là hãy chủ động tiếp thu, trao dồi kiến thức, kể cả có học ở trường hay không. Bỏ học không quyết định thành công hay thất bại. Nhưng ngừng tự học cả trong và sau khi rời ghế nhà trường mới là sự thất bại to lớn.

Ngoài việc vận động cơ thể, phát triển thể chất, hãy đầu tư thời gian cho việc tự học, nâng cao tri thức, làm giàu làm đẹp thêm cuộc sống bạn nhé.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *