purna ashtanga

[Nhật ký]: 60 ngày thực hành Ashtanga Yoga – Vừa được thử thách vừa được ban thưởng

🙂

Mọi người có thấy icon mặt cười phía trên không?! Đó chính là biểu cảm gương mặt của mình trong suốt buổi tự tập ngày hôm nay đó. Nghe sao có vẻ kì lạ qúa phải không? Tại sao tập yoga mà mặt có thể hớn hở vui tươi như vậy.

Vì trong 90 phút tự thực hành Ashtanga Mysore hôm nay, mình đã hoàn toàn cảm nhận được niềm vui và sự hạnh hạnh phúc trong mỗi nhịp thở và việc di chuyển cũng như giữ thế. Mình biết rất rõ rất rõ Ashtanga là một trường phái yoga đòi hỏi không chỉ thể lực mà còn cả sự linh hoạt, hướng dẫn người tập không chỉ tính kỷ luật và còn cả sự kiên trì sắt đá.

Bạn cứ thử tưởng tượng mỗi ngày đều đặn như mặt trời mọc, mình đều phải trải thảm ra tự tập ít nhất 1.5-3 tiếng đồng hồ. Với hoàn cảnh “gái hai con” như mình, để hoàn thành trọn vẹn bài tập, mình đã phải thức từ 4g sáng (sớm hơn cả mặt trời mọc) và lọ mọ bước lên thảm, “hành xác” trong 1.5 tiếng đồng hồ nhưng sau đó lại hoàn toàn tràn trề năng lượng hướng dẫn yoga cho mọi người.

Sau 2 tháng duy trì thực hành đều đặn Ashtanga Mysore, mình thú thật rằng cả thể lực và độ dẻo của mình được nâng cấp lên một bậc thấy rõ. Đó là thành quả quý giá đạt được bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của mình qua từng ngày. Bằng chứng là hôm nay mình đã vào tư thế ngồi “nghiệt ngã” Janu Sirsasana C “mượt” hơn thay vì mọi lần cổ chân và ngón chân út đau xám mặt tím tái. Rồi cả tư thế Con Rùa Kurmasana bớt gắt phần cơ gân kheo hơn rất rất nhiều. So với những bậc “cao thủ Ashtangi” thì đó không là gì cả nhưng đối với bản thân mình người có cơ địa hông và cơ gân kheo cứng (vì chạy bộ quá nhiều) thì đó là một bước tiến rất vĩ đại.

purna ashtanga

Và mình càng ý thức rõ hơn rằng hơi thở là yếu tố cốt lõi không chỉ trong Ashtanga Yoga mà bất cứ trường phái yoga nào cũng vậy. Khi thực hành Mysore, không phải bạn muốn hít lúc nào là hít, không phải muốn thở lúc nào là thở. Ashtanga khắc nghiệt lắm các bạn ơi! Bạn phải hoà nhập giữa hơi thở và chuyển động từ tấm ván (plank) hít sâu, hạ người xuống Chaturanga mới được thở ra, khi ngẩng mặt lên vào thế Chó ngửa mặt mới được hít vào rồi khi gót chân chạm sàn trong Chó úp mặt mới được thở ra.

Tại sao chỉ có thở thôi mà phải khó khăn như vậy?! À vì có như vậy, chúng ta mới luyện được khả năng hít thở sâu và dài, mới đủ năng lượng và sức lực để đi hết chuỗi bài dài dằng dặc mà không hề bị mệt.

Như ngày hôm nay, theo ‘lịch sử” tập luyện của riêng mình, mình đã hoàn thành khá tốt chuỗi bài Ashtanga Yoga Primary Series vì điều khí trong cơ thể chậm và sâu hơn. Vì vậy khi giữ thế, mình cảm thấy mọi thứ diễn ra dễ dàng hơn, cơ thể thích ứng sâu hơn, tâm trí an yên hơn. Và cái cảm giác “hạnh phúc” khi ấy lại hiện hữu bên trong tâm của mình.

Yoga thật kỳ diệu. Yoga vừa thử thách vừa ban thưởng cho những ai có tính kiên trì. Nhớ lại hai tuần đầu tiên khi mới bỡ ngỡ dấn thân vào Ashtanga, đêm nào nằm xuống giường, mình như muốn tan ra, cảm giác rêm rẩy, đau nhức, thậm chí đau cổ tay ám ảnh mình. Rồi da móng chân bong tróc, cánh tay trầy xước, đùi bầm…trong quá trình “jump back jump through” điên dại haha.

Giờ đây, những “va quẹt” đó vẫn còn tồn tại nhưng sự chuyển động, cách kiểm soát cơ thể và cả hơi thở dường như đã hoà thành một cùng mình. Mọi thứ trở nên tốt hơn, mượt mà hơn, vi diệu hơn qua mỗi ngày cố gắng một chút của mình.

Giờ mình đã tin thầy Boonchu nói đúng:” Cứ kiên trì thực hành, niềm vui tự ắt sẽ đến”. Và ngày đó chính là ngày hôm nay đánh dấu 60 ngày chính thức thực hành nghiêm túc Ashtanga của mình.

Đôi lời chia sẻ về khởi đầu hành trình Ashtanga của mình. Cảm ơn mọi người đã lắng nghe tâm sự trong một ngày đáng nhớ của mình.

Không ngừng cố gắng, không từ bỏ là chìa khoá thành công trong cuộc đời mình đó!

Purna.

Live Mindfully, Live Fully

Nhận những bài viết về yoga, phong cách sống, và hành trình phát triển bản thân – gửi trực tiếp đến hộp thư của bạn.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *