Góc chia sẻ về sữa hạt dinh dưỡng

Chào các bạn,

Trong chuyên mục “Ăn chay” ngày hôm nay, Purna muốn nói về một đề tài mới được mọi người quan tâm rầm rộ gần đây. Đó là về sữa hạt. Nếu các bạn tìm kiếm thông tin với từ khoá này sẽ thấy vô vàn kết quả liên quan đến sữa hạt/ sữa thảo mộc dinh dưỡng. 

Đối với người quan tâm đến sức khoẻ đặc biệt là người ăn chay và các mẹ bỉm sữa muốn bé hạn chế sữa bò thì sữa hạt là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng thay thế tương đối tốt.

Sữa hạt là gì?

Sữa hạt là thức uống được chế biến từ các loại hạt gồm hai nhóm chính: nhóm hạt giàu chất béo và đạm (hạnh nhân, óc chó, các hạt đậu) và nhóm làm từ các loại hạt ngũ cốc (yến mạch, gạo lứt, khoai lang, ngô…).

Theo phát biểu của Viện dinh dưỡng quốc gia: “Sữa các loại hạt không thể coi là sữa. Đây chỉ được coi sản phẩm bổ sung dinh dưỡng vì sữa được xem là dịch tiết của động vật có vú và có thành phần đạm đủ tiêu chuẩn.”

Theo mình thì danh từ “sữa hạt” chẳng qua cũng là tên gọi cho một dạng thức uống được chưng cất từ các loại hạt bổ dưỡng, tốt cho sức khoẻ. Điều quan trọng không phải ở tên gọi mà là thành phần dinh dưỡng của các loại hạt ấy như thế nào. Nào chúng ta cùng nhau tìm hiểu tiếp về hàm lượng dinh dưỡng của từng loại hạt phổ biến nhất nhé.

Hàm lượng dinh dưỡng của các loại hạt

Dưới đây là thông tin về thành phần dinh dưỡng của một số loại hạt phổ biến mà mình đã nghiên cứu và ghi chép được:

Hạt hạnh nhân

Sữa hạnh nhân là một hỗn hợp giữa hạt hạnh nhân và nước, sau đó được lọc bỏ những chất bã. Sữa hạnh nhân là lựa chọn tuyệt vời cho người ăn chay và những người bị dị ứng với bơ sữa.

Nhưng do sữa hạnh nhân đã trải qua một quá trình sàng lọc nên làm mất đi một lượng lớn chất xơ và chất oxy hoá so với hạnh nhân nguyên chất.

Hàm lượng dinh dưỡng trong sữa hạnh nhân gần giống với sữa bò, bao gồm vitamin D, canxi, protein, hàm lượng cao các chất khoáng tự nhiên và một số vitamin đặc biệt là vitamin E. Tuy nhiên, hạnh nhân lại chứa chất axit phytic, một chất kháng dinh dưỡng làm cơ thể hạn chế tiếp thu sắt, kẽm và magie.

Hạt óc chó

Hạt óc chó là một trong những loại hạt rất giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.  Hạt óc chó dồi dào các chất béo chưa bão hòa đơn, chưa bão hòa đa và cả protein. Loại hạt này nổi tiếng từ lâu là một loại thực phẩm giàu năng lượng và chứa hàm lượng chất béo cao. Tuy nhiên đây đều là những chất béo rất tốt cho sức khỏe tim mạch.

Ngoài ra, hạt óc chó còn giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch, tăng cường sức khỏe của da, tóc, móng, cung cấp năng lượng cho các hoạt động và giúp giảm cân. Đó là lí do vì sao hạt óc chó là thực phẩm vàng cho sức khoẻ con người đặc biệt phụ nữ mang thai.

Hạt Macadamia

Hạt maca cũng được mệnh danh ” Nữ hoàng quả khô” nhờ chứa rất nhiều đạm thực vật, giàu Omega 3, 6, 9 và hơn 20 loại vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể đặc biệt là dành cho bà bầu và người lớn tuổi.

Cũng giống như hạt óc chó, hạt maca đem đến nhiều lợi ích vàng cho cơ thể như giàu chất chống oxy, giảm nguy cơ tim mạch, cung cấp protein và chất xơ thực phẩm, tốt cho xương và sự phát triển của não bộ

Đậu nành

Đậu nành rất giàu năng lượng và acid béo không no nên là nguồn năng lượng lành tính, không cholesterol thích hợp với tất cả mọi người.

Đạm đậu nành lại là loại đạm thực vật tốt nhất, chứa nhiều acid amin thiết yếu mà cơ thể con người không tự tổng hợp được, giúp trẻ được bổ sung đầy đủ và hấp thu nhanh hơn so với các loại thực phẩm khác.

Đậu nành đã được chứng minh là chứa canxi, giúp trẻ phát triển chiều cao và hệ xương. Đậu nành cũng chứa magan – dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của não và các tế bào thần kinh.

Xét về tỉ lệ đạm, canxi và các dưỡng chất trong đậu nành, sữa đậu nành tương tự các chế phẩm cung cấp đạm có nguồn gốc từ động vật.Vì thế, đậu nành là thực phẩm hoàn toàn thích hợp và cần thiết cho trẻ nhỏ.

Đậu đen

Hàm lương dưỡng chất của đậu đen tương đương đậu nành.

Đậu xanh

Đậu xanh giàu protein, tinh bột, nhiều loại khoáng chất, vitamin B và axit amin, có hiệu quả rất tốt đối với việc giảm bớt sự mệt mỏi, sưng phù hay tiểu tiện khó khăn…. Đậu xanh còn có công dụng thanh nhiệt, giải độc, giúp mắt sáng hơn, hạ huyết áp,….

Đậu đỏ

Đậu đỏ chứa nhiều vitamin như B1, B2, protein và nhiều loại khoáng chất, có tác dụng bổ huyết, lợi tiểu, tiêu phù, thúc đẩy hoạt động của tim mạch…

Đậu vàng

Đậu vàng giàu protein, có chứa nhiều loại vitamin, chất béo, omega 3 và sắt. So với các loại thực phẩm khác, chỉ tính hàm lượng protein thì đậu vàng cao hơn thịt nạc 2 lần, cao gấp 4 lần so với trứng gà, 2 lần so với sữa bò. Đậu vàng được xem là lựa chọn tối ưu thay thế sữa bò cho trẻ.

Tại sao nên uống sữa hạt – sữa thảo mộc?

Với sự phong phú của các loại hạt và củ quả thì sữa hạt rất giàu dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ protein từ sữa các loại đậu như đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh; canxi từ vừng đen, kê nếp; omega 3 từ hạt óc chó, hạnh nhân…rất tốt cho sức khoẻ đặc biệt là người lớn tuổi, phụ nữ đang mang thai, cho con bú.

Tuy nhiên, mình cần nhấn mạnh “Sữa mẹ luôn là sự lựa chọn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” bởi loài nào nuôi sữa của loài đó là tốt nhất.

“Theo khuyến cáo của WHO, trẻ em dưới 6 tháng phải ăn chất đạm 100% có nguồn gốc động vật. Điều này đồng nghĩa trẻ dưới 6 tháng tuổi phải bú sữa mẹ hoàn toàn. Trong trường hợp mẹ mất sữa, trẻ cần được dùng sữa bột công thức từ các loại động vật như sữa bò.

Đối với nhóm trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, ngoài sữa mẹ, trẻ sẽ phải ăn thức ăn bổ sung, duy trì ăn 70% có đạm nguồn gốc động vật. Trẻ trên 1 tuổi có thể dùng “sữa hạt” để bổ sung dinh dưỡng với điều kiện trẻ phải được ăn đầy đủ các thức ăn có nguồn gốc đạm động vật, ăn đủ theo nhu cầu”.

Bởi trẻ uống nhiều sữa hạt còn dẫn tới hạn chế hấp thu sắt. Bên cạnh đó, canxi thực vật khó hấp thu nên trẻ dùng thường xuyên có thể bị còi xương.

Lưu ý khi làm sữa hạt

  • Bạn cần chọn nguyên liệu hạt tươi mới, sạch – hữu cơ và không biến đổi gen càng tốt.
  • Hạt tươi cần được ngâm đủ thời gian để loại bỏ độc tố nội sinh, một số axit bất lợi và asen.
  • Quá trình nấu sữa cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như dụng cụ và chai lọ thủy tinh đựng sữa cần được tiệt trùng bằng nước sôi 100 độ C kỹ lưỡng và để khô ráo.
  • Sữa hạt chỉ nên uống ngon nhất trong hai ngày trong ngăn mát tủ lạnh, không nên dùng khi thấy có hiện tượng sữa bị chua hay kết tủa.
  • Đối với sữa chưa bỏ ngăn mát tủ lạnh, bạn có thể mang chai sữa đi từ nơi này sang nơi khác mà không cần túi bảo quản lạnh. Đối với sữa đã bỏ ngăn mát, bạn nên cho sữa vào túi bảo quản lạnh khi đem ra ngoài để tránh sữa bị sốc nhiệt, “đổ mồ hôi”.

Purna vừa chia sẻ một số kinh nghiệm cũng như kiến thức tích luỹ có được về sữa hạt – sữa thảo mộc. Purna muốn gieo một chút duyên lành về việc ăn sạch – ăn khoẻ để mọi người có một sức khoẻ tốt hơn qua chế độ ăn uống.

Đó là một phần lí do sữa hạt của Bếp LÀNH ra đời. May mắn, sữa hạt Lành lại được sự ưu ái, yêu thích của mọi người bởi nguyên liệu sạch, tươi mới, an toàn; chế biến thủ công kỹ lưỡng và đảm bảo vệ sinh thực phẩm, mùi vị lại thơm ngon đậm đà.

Ngoài yoga, chế biến các món ăn thức uống bổ dưỡng – lành mạnh chính là đam mê lớn thứ hai của mình. Purna sẽ cố gắng chia sẻ thêm nhiều kiến thức cũng như công thức chế biến hay chia sẻ cùng các bạn nhé 😉

 

 

 

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *