[Chinh phục Handstand]: 10 tuần đầu tiên khổ luyện thăng bằng tay

Chào các bạn thân yêu,

Nhịp sống dường như đã ổn định trở lại sau đợt sóng Covid lần thứ hai. Mọi người ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc phòng ngừa bệnh tật, ý thức hơn về sức khoẻ cũng như dần dà xây dựng lối sống lành mạnh cần thiết thời dịch bệnh. Dù ngoài kia “vật đổi sao dời” nhưng trong góc nhỏ yoga này, mọi thứ dường như bất biến với Purna.

Hằng ngày, Purna vẫn đều đặn đứng lớp, chăm chỉ tập luyện như một chiến binh, theo đuổi đam mê yoga, hăng say Bếp Lành, chăm sóc tốt gia đình. Dù lịch làm việc – tập luyện chật ních nhưng mình xem đó là niềm vui sống mỗi ngày. Mình làm vì đam mê, vì tình yêu chứ không phải trách nhiệm hay nghĩa vụ nặng nề. Nói nghe có vẻ sến sẩm! Nhưng thật lòng Purna rất hiểu bản thân cứ hễ yêu thích việc gì là luôn mong muốn không dừng lại ở mức làm được mà phải làm thật tốt.

Với Handstand cũng vậy. Nói đến Handstand, ai cũng biết đây là một động tác thăng bằng nâng cao đầy thách thức nhưng cũng không kém phần hấp dẫn mà hầu như mọi giáo viên yoga cũng như người yêu “đảo ngược” đều ham muốn chinh phục. Để thực hiện được Handstand, đó là cả một quá trình tập luyện không mệt mỏi, kiên nhẫn và phát triển bản thân từng ngày. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Purna đã trải qua 11 tuần sống cùng thăng bằng tay. Và đây chỉ là những bước đi chập chững đầu tiên của một hành trình rất dài phía trước. Mình chia sẻ bài viết này để các bạn biết rằng Purna vẫn âm thầm chăm chỉ theo đuổi mục đích của mình. “Có công mài sắc có ngày nên kim” là châm ngôn sống của mình.

Vậy trong mười một tuần qua Purna đã tập những gì trong chặng đường chinh phục thăng bằng tay?!

  • Thể lực: làm mạnh cơ lõi, tăng sức bền cho vai, học cách kiểm soát chân (siết chân), làm khoẻ cổ tay và bàn tay.
  • Độ dẻo: tăng tính linh hoạt cho cơ gân kheo, tập soạc ngang – dọc mỗi ngày, mở ngực, tăng biên độ hoạt động của khớp vai, uốn lưng ngã sau an toàn.

Nghe có vẻ đơn giản nhưng mỗi ngày, ngoài chạy bộ – đạp xe – bơi lội, Purna phải mất từ 2-3 tiếng cho yoga cân bằng giữa thể lực và sự linh hoạt. Sau một ngày gia đình – công việc – tập luyện, khi nằm xuống giường, cơ thể như muốn tan ra nhưng mình hoàn toàn hài lòng, mãn nguyện vì toàn làm những điều yêu thích.

Thành tích nhỏ nhoi sau 11 tuần khổ luyện đầu tiên là mình đã thực hiện được các tư thế thăng bằng tay nâng cao như tư thế Astra Vakrasana (tám góc), tư thế Eka Pada Koundinya, tư thế Bakasana, tư thế Pincha Mayurasana (đứng cẳng tay)… một cách vững vàng và chỉn chu hơn rất nhiều so với thời gian trước đây.

Tư thế Eka Pada Koundinya
Tư thế Astra Vakrasana (tám góc)

Lúc trước khi thực hiện các tư thế này, mình thường có hiện tượng sụp vai, võng lưng, chân thả lỏng, bụng không chắc. Đó là do nền tảng không vững chắc. Cũng như bạn chỉ có thể làm ra một món ăn ngon khi các thành phần nguyên liệu phải đảm bảo chất lượng. Yoga cũng như vậy. Nếu chúng ta chỉ mải miết chạy đua tư thế, chinh phục những thứ xa xôi ngoài tầm với mà quên đi những gì nền tảng thì kết quả đạt được chỉ là chấn thương và vài phút sống ảo ngắn ngủi trên hình mà thôi.

Nhờ tập core đều đặn, tập chân, tăng sức bền cho vai mỗi ngày mà mình có thể giữ các động tác thăng bằng tay khá lâu. Mình cảm nhận rõ cả tâm trí và thể xác đang mạnh mẽ lên từng ngày.

Cứ mỗi sự cố gắng một chút, mỗi cái vượt lên chính mình một chút sẽ khiến bạn tiến bộ không ngờ từng ngày lên đó. Hôm nay bạn gập bụng 10 cái đã đau và muốn bỏ cuộc. Ngày mai hãy thử cố gắng 11 cái thôi cũng là chiến thắng bản thân rồi. Hoặc bạn chỉ có thể giữ Đầu đứng (Headstand) trong 30 giây ngắn ngủi hôm nay. Ngày mai, hãy cố gắng duy trì hơi thở đều đặn hơn, tâm trí ổn định hơn, giữ thế 1 phút cũng là vinh quang mới rồi. Lắng nghe cơ thể, chăm chỉ tập luyện chính là chìa khoá thành công trong yoga và mọi bộ môn rèn luyện sức khoẻ khác.

Một thông điệp khác mà Purna muốn gửi gắm đến các bạn thương yêu là:

Dù ước mơ của bạn có điên rồ đến đâu, dù người khác có nhìn bạn như thế nào, dù có ít sự hỗ trợ nhất thì bạn ơi, đừng sợ hãi, đừng chờ đợi! Hãy cứ tiếp tục cố gắng, theo đuổi đam mê, hãy cứ sống hết mình, làm bằng được những gì bạn yêu thích. Bởi nếu dẫu cho có thất bại, bạn nhất định sẽ không bao giờ phải hối tiếc. Chúng ta chỉ sống một lần mà thôi!

Purna,

Thương.

Similar Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *