IMG 0371

“Tự tập luyện” – liều thuốc bổ cho cả giáo viên và học viên yoga

Đây là đề tài mà mình muốn nói đến ngày hôm nay. Bởi mình cũng từng là nạn nhân của việc thiếu thời gian tự tập luyện.

Trước đây, khi phải “chạy show” các lớp yoga, mình bị mất đi khá nhiều năng lượng cho việc di chuyển giữa các điểm dạy và hướng dẫn học viên. Việc đứng lớp không chỉ đơn thuần là hướng dẫn động tác mà sâu xa hơn còn là truyền tải năng lượng tích cực, tinh thần yoga đến mọi người. Là một giáo viên có tâm, bạn luôn phải có mặt đúng giờ với gương mặt “tươi mới”, năng lượng tích cực và hướng dẫn tận tình dù cho trước đó có phải chạy xe cả tiếng đồng hồ đến điểm dạy, mặc cho trong lòng có tâm sự gì không vui…thì khi bước vào cửa lớp học, bạn phải toàn tâm toàn ý với học viên trong khoảng thời gian đó

Vậy giáo viên lấy lại nguồn năng lượng đã mất đi mỗi ngày bằng cách nào?!

Đó là bằng sự tự tập luyện, trao dồi và nâng cao kiến thức yoga cho bản thân.

Mình xem việc tự tập luyện là một phần thiết yếu và vô cùng quan trọng như ăn cơm mỗi ngày vậy, không tập ngày nào là khó chịu ngày đó, không tập ngày nào là như người bị hết pin và tuột năng lượng.

Việc tự tập luyện giúp người giáo viên không chỉ duy trì độ dẻo dai, tăng cường thể lực đồng thời hiểu rõ hơn về cơ thể và cảm nhận động tác sâu hơn. Đó là những ưu điểm dễ nhận ra của việc tự tập luyện. Tuy nhiên, nhược điểm là bạn dễ gặp rủi ro bị chấn thương trong quá trình tự tập nếu không có kiến thức về cơ thể học hay định tuyến cơ thể.

Sau sinh hai tuần, mình chỉ bắt đầu tập thở, ngồi thiền, khởi động và thực hiện một số bài tập bụng nhẹ nhàng. Đến tuần thứ sáu, mình bắt tay vào việc tập luyện chỉnh chu hơn với chuỗi bài khó hơn, động tác đòi hỏi sự dẻo dai và thể lực nhiều hơn. Nhưng mình không ép thân, luôn lắng nghe cơ thể, không để vượt quá giới hạn chịu đựng mà gây nên những chấn thương đáng tiếc.

Với các bạn học viên, việc tự tập luyện cũng rất lí tưởng đối với những ai yêu thích yoga và không có nhiều thời gian đến phòng tập bên ngoài. Nhưng thời gian đầu, bạn nên đến phòng tập để được nghe giáo viên hướng dẫn kĩ thuật động tác và biết cách hạn chế chấn thương. Và khi đã tích lũy một số vốn kiến thức yoga, bạn có thể tự tin hơn khi tự tập luyện tại nhà. Đây cũng là lời nhắn nhủ nho nhỏ của Purna dành cho các bạn khi muốn tự tập luyện tại nhà.

Những clip hướng dẫn yoga trên youtube nhiều vô số kể nhưng không phải bài tập nào cũng phù hợp với cơ thể bạn, không phải động tác nào cũng được hướng dẫn an toàn cho người mới tự tập. Vì vậy hãy tự trang bị cho mình một số kiến thức yoga an toàn, hiểu rõ động tác hơn trước khi tự tập tại nhà để tránh chấn thương lâu dài. Quan trọng hơn là đừng nóng vội hay chạy đua theo các tư thế khó vì để vào được các thế khó, cơ thể bạn cần được khởi động kĩ lượng, mở các phần cơ thể cần thiết mới vào thế an toàn được.

Thật ra giáo viên cũng không khác gì học viên, cũng là con người, cũng có những giới hạn của cơ thể, cũng phải đổ mồ hôi tập luyện để thành “chánh quả”, cũng chỉ là người học trò đang học hỏi trên con đường yoga như các bạn mà thôi. Do đó, giáo viên không phải là người làm được tất cả mọi động tác yoga như bạn tưởng tượng đâu.

Có khác chăng mình chỉ là người đi trước, đúc kết được một số kinh nghiệm, nuôi dưỡng đam mê và khát khao được chia sẻ kiến thức, được hướng dẫn lại những trải nghiệm yoga đó cho các bạn.

Một vài dòng chia sẻ nho nhỏ, Purna hi vọng các bạn tìm được sự yêu thích lâu dài với bộ môn yoga và không ngừng tập luyện một cách an toàn và hiệu quả nhé.

Namaste!

Live Mindfully, Live Fully

Nhận những bài viết về yoga, phong cách sống, và hành trình phát triển bản thân – gửi trực tiếp đến hộp thư của bạn.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *