[Hành trình trở thành IronMan] “Giảm tải” cho cơ thể trong 20 ngày cuối cùng
Chào cả nhà,
Purna đang bước vào giai đoạn nước rút cuối cùng trước khi về đích cho sứ mệnh 5150 Triathlon Phu Quoc 2022. Đây cũng gần như là khoảng thời gian mình bắt đầu “giảm tải” áp lực dần cho cơ thể. Mình tập nhẹ hơn về cường độ, ngắn hơn về thời gian, để cơ thể có thời gian phục hồi dần và sẵn sàng “bung sức” cho ngày thi cận kề. Bên cạnh thay đổi trong lịch tập ba môn phối hợp, Purna còn chủ động chọn những bài tập yoga phù hợp với thể trạng “cần được nhẹ nhàng” của cơ thể.
Nếu các bạn đang thắc mắc trong 20 ngày sinh tử cuối cùng Purna tập gì, ăn gì, làm gì thì theo dõi hết bài viết chia sẻ của mình nhé.
Bơi cường độ nhẹ
Mình sẽ tập bơi cho đến tận sát ngày thi nhưng với cường độ giảm dần đều. Nếu so với tháng 10 cao trào khốc liệt thì nay huấn luyện viên chỉ cho mình bơi 1.200m với 800m đầu bơi vừa sức dưới 3’/100m, 400m cuối cùng mới bung sức tối đa với tốc độ 2’40″/100m. Mình không ngờ ngày hôm nay mình có thể đẩy tốc độ lên đến 2’40” nhưng không hề cảm thấy mệt hay quá sức; có lẽ nhờ thành thạo kỹ thuật bơi đúng, bơi nhanh và bền mà mình đã luyện cực lực trong 5 tháng qua. Hi vọng ngày mình bơi dưới 2 phút sẽ không xa nha.
Tập điều khiển xe đạp đua tốt
Dường như khi nỗi sợ với bơi giảm dần thì áp lực với xe đạp đua lại tăng lên. Trong 20 ngày cuối cùng, mình sẽ không tập trung vào việc đạp xe đường dài trên Zwift nữa mà để tâm vào việc luyện điều khiển xe đạp đua cho tốt: như lên xuống tay nghỉ thuần thục, giữ thăng bằng tốt, chỉnh tư thế ngồi đúng cho đỡ ê mông hay tê tay, xử lý tình huống nhanh trên đường đua.
Nói thật lòng đạp mấy chiếc xe đua ba môn phối hợp không thoải mái như hình quảng cáo đâu các bạn ơi. Người lúc nào cũng cúi thấp lưng, ngồi tụt về phía đầu yên xe để đạp lực mạnh, mắt lúc nào cũng với nhìn ra trước, vai hạ thấp, chân đạp không ngừng…Khi chưa quen, tất cả những điều trên khiến mình tê cứng hai bàn tay, ê mông, đau hai bên bẹn, và mỏi gối nữa hix.
Mình hỏi thăm kinh nghiệm đạp đua của anh bạn cùng nhà thì nhận được câu trả lời đanh thép: “Em cứ đạp tiếp đi! tập nhiều lên sẽ không còn mỏi nữa haha”. Nghe mà không biết nên vui hay buồn, Purna đành ngậm ngùi miệt mài quay đều chân tiếp vậy.
Chạy nhẹ và ít lại
Còn hơn hai tuần nữa thi mà giờ mình có hiện tượng đau một bên gót chân. Có thể lí do bởi mình chạy quá nhiều và quá nhanh. Mình chủ động cắt bớt một ngày tập chạy, nếu có chạy thì sẽ chạy chậm và ít thời gian đi để dưỡng chân phục hồi đợi ngày thi đấu.
Tăng cường tập yoga giãn cơ và luyện handstand
Trong một tháng tạm thời trì hoãn Ashtanga, mình chọn tập những bài vinyasa yoga đa dạng về cả sức mạnh lẫn độ dẻo tuỳ theo lịch, giãn cơ bằng yin yoga sau những buổi tập ba môn phối hợp và tăng cường luyện handstand nhiều nhất khó thể. Trước đó do quá mê Ashtanga mà mình không có nhiều thời gian luyện đảo ngược. Nay chính là dịp phù hợp để mình quay lại với trò chơi thăng bằng trên tay.
Chế độ dinh dưỡng xanh và sạch
Về chế độ dinh dưỡng, mình vẫn duy trì chế độ thuần chay thực vật, ưu tiên rau củ quả tươi sống không qua chế biến. Sự thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống của mình là thay vì nhịn ăn mỗi ngày theo khung giờ 20/4 nay chuyển thành 18/6 bởi cơ thể mình vận động cường độ cao nên cần nhiều dinh dưỡng hồi phục hơn. Vì vậy mình tăng thời gian nạp thức ăn từ 4 tiếng thành 6 tiếng.
Mình duy trì một bữa ăn chính với đầy đủ ba nhóm dinh dưỡng chính: tinh bột nhiều chất xơ, đạm thực vật, chất béo tốt, khoáng chất và vitamin và hai bữa phụ chỉ với sữa hạt và trái cây tươi.