study 1

Tiêu chí chọn trường tốt đào tạo huấn luyện viên yoga

Đầu tiên Purna xin gửi lời cảm ơn vì các bạn đã quan tâm theo dõi cũng như bình luận, đóng góp về những bài viết trên blog của mình. Câu hỏi mà khá nhiều bạn gửi cho mình trong loạt bài Hành trình trở thành huấn luyện viên yoga của Purna là dựa vào những tiêu chi nào để chọn lựa được trường tốt đào tạo huấn luyện viên.

Có thể nói việc tập yoga và việc trở thành giáo viên yoga đang dần trở thành một xu hướng. Yoga đang dần bị thương mại hoá. Quá nhiều trung tâm đào tạo giáo viên kiểu “mỳ ăn liền”…nhiều khi 10 ngày thôi cũng thành giáo viên. Với những lời quảng cáo hấp dẫn giăng đầy từ website cho đến facebook, làm sao bạn biết được chương trình đào tạo nào là phù hợp cho mình. Và làm sao bạn biết được bạn sẽ đạt được gì sau khi bỏ ra gần cả ngàn đô hoặc tối thiếu 200 giờ cho khoá học đó?

Nếu bạn đang trăn trở về những câu hỏi này thì chúc mừng bạn bởi đây là bài viết chia sẻ dành riêng cho bạn – giáo viên yoga tương lai. Mình sẽ chia sẻ một vài tiêu chí quan trọng giúp bạn thu hẹp sự tìm kiếm cũng như tìm ra chương trình đào tạo huấn luyện viên yoga nào phù hợp với bạn.

1. Bảo đảm rằng chương trình bạn học thuộc Yoga Alliance

Yoga Alliance là một hệ thống đào tạo yoga chuyên nghiệp tiêu chuẩn quốc tế. Nếu bạn từng nghiên cứu về Yoga Alliance, chắc hẳn bạn từng khá bối rối về các thuật ngữ được sữ dụng. Chẳng hạn, RYS, RYT, e-RYT, “đăng kí” (register), “chứng nhận” (certify).

  • RYS, viết tắt của “Registered Yoga School”, có nghĩa là trường/trung tâm dạy yoga đã đăng kí với Yoga Alliance. Việc đăng kí này có nghĩa rằng chương trình đào tạo giáo viên của trung tâm này đáp ứng tiêu chuẩn Yoga Alliance. Một RYS có thể đăng kí nhiều khóa đào tạo khác nhau với Yoga Alliance (200-Hour, 300-Hour, Yoga trẻ em…).
  • RYT, viết tắt của “Registered Yoga Teacher”. Những sinh viên hoàn thành khóa đào tạo (đã được đăng kí với Yoga Alliance) có đủ điều kiện để đăng ký RYT với Yoga Alliance (trả phí hằng năm).
  • e-RYT, viết tắt của “Experienced Registered Yoga Teacher”. E-RYT là những RYT có kinh nghiệm giảng dạy: ít nhất 1000 giờ và 2 năm giảng dạy (thực tế việc chứng thực về tổng thời lượng giảng dạy rất khó nên khái niệm về e-RYT khá mơ hồ).

Như vậy những trường đào tạo huấn luyên viên yoga nằm trong hệ thống Yoga Alliance thì sẽ có chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế. Khi đăng ký học những trường này, bạn sẽ an tâm về chất lượng đầu ra của giáo viên. Lưu ý nếu bạn học ở các trường đại học yoga tại Ấn Đồ, thì bằng cấp sẽ thuộc hệ thống khác chứ không phải Yoga Alliance nhé.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa việc tham gia một khoá học không thuộc hệ thống Yoga Alliance là sai lầm. Theo kinh nghiệm của mình, nếu bạn chỉ mới bắt đầu trở thành huấn luyện viên yoga thì nên đăng ký những khoá học của trường thuộc hệ thống Yoga Alliance/ hệ thống yoga riêng của Ấn Độ.

Sau khi đã hoàn thành xong 200 giờ đầu tiên, bạn có thể đăng ký những khoá học ngắn hạn (workshop) để tăng cường mảng kiến thức chuyên môn mà bạn muốn. Nếu những khoá ngắn hạn này thuộc Yoga Alliance thì quá tốt, còn không cũng không sao cả. Đó là ý kiến riêng của mình.

2. Nghiên cứu kỹ nội dung chương trình học

study

Mỗi khoá đào tạo huấn luyện viên sẽ có nội dung chương trình khác nhau:

Dạng 1: Với khoá học diễn ra ngay tại thành phố bạn ở, bạn có thể học liên tục trong vài ngày hoặc vài tuần từ 5g sáng đến 5g chiều.

Ưu điểm: bạn có thể về nhà lo công việc gia đình và đi dạy sau giờ học (nếu bạn đã là giáo viên yoga). Lịch trình công việc mỗi ngày của bạn không bị gián đoạn quá nhiều.

Khuyết điểm: bởi bạn không thể thoát khỏi hoàn toàn ra guồng công việc hằng ngày nên bạn sẽ bị phân tâm, không tập trung 100% cho khoá học.

Dạng 2: Một số khoá học sẽ diễn ra ở thành phố khác nơi bạn ở/ ở nước ngoài, bạn sẽ phải xa nhà, tạm gác công việc và xách vali lên đi học. Dĩ nhiên, bạn phải ngủ lại và sinh hoạt mỗi ngày tại trường.

Ưu điểm: bạn tách biệt hoàn toàn với cuộc sống hằng ngày, không bị phân tâm vướng bận bởi những nghĩa vụ đang có. Hiệu quả học tập sẽ cao hơn nhờ sự toàn tâm toàn ý trong lúc học.

Khuyết điểm: bạn phải sắp xếp công việc, gia đình kỹ lưỡng trước khi khăn gói ra đi. Việc này khá khó khăn đối với những người đang có một công việc ổn định và có con nhỏ.

Do đó, bạn cần nghiên cứu kỹ nội dung chương trình học trước khi đăng ký. Một số sẽ thích học tập trung ở một nơi xa biệt lập giống như mình ;). Một số cảm thấy vừa học vừa làm sẽ tốt hơn với họ. Tuỳ hoàn cảnh mỗi người mà chọn khoá học thích hợp nhé.

3. Nghiên cứu kỹ về phần cơ thể học

anatomy

Đa phần bất kỳ khoá đào tạo huấn luyện viên nào cũng sẽ đề cập ít nhiều đến cơ thể học. Trước đây, khi tham gia khóa học của Sivananda, mình rất háo hức chờ đợi được học về cơ thể học. Tuy nhiên, thật lòng mà nói đây là chương chán nản nhất trong suốt 200 giờ của mình. Bài giảng không trực quan sinh động, khá nhàm chán, khó để có thể hiểu chi tiết về các bộ phận trên cơ thể.
Do đó, đến khi bắt tay đi dạy, mình bị lỗng một hố kiến thức về cơ thể học. Mặc dù cơ thể học không phải là tất cả những gì giáo viên yoga cần học. Nhưng nhờ hiểu biết về định tuyến cơ thể học, bản thân bạn sẽ điều chỉnh cơ thể tốt hơn, tập luyện đúng đắn hơn và hạn chế chấn thương cho học viên nhiều hơn.
Vì vậy, bạn cần nghiên cứu kỹ xem họ dạy về phần cơ thể học như thế nào. Cách đơn giản nhất là bạn hỏi thăm ý kiến của những “cựu” sinh viên đã hoàn tất khoá học. Nếu bạn chẳng có mối quan hệ nào như thế thì hãy đăng ký học thử một lớp (nếu có thể) ngay tại trung tâm bạn đăng ký để xem họ có nhấn mạnh cơ thể học và định tuyến cơ thể trong lúc tập không.
Nhờ nghiên cứu về cơ thể học, tham gia các khoá học thêm về định tuyến mà mình đã cải thiện động tác rất nhiều. Tư thế mình vững vàng hơn, đúng định tuyến hơn, hạn chế chấn thương nhiều hơn. Và quan trọng hơn, mình đưa những kiến thức về cơ thể học và trải nghiệm bản thân vào bài giảng, giúp học viên tập tốt hơn.

4. Tìm hiểu về giáo viên

Đây là bước cuối cùng của quá trình chọn trường tốt. Bạn có thể tìm hiểu một ít thông tin về những người giáo viên đào tạo bạn thông qua việc xem tóm tắt tiểu sử, họ đã đi dạy yoga bao lâu và kinh nghiệm thế nào trong việc đào tạo giáo viên mới. Đây là những người bạn sẽ làm việc cùng trong suốt quá trình học. Hoặc bạn có thể đăng ký tập thử yoga với các giáo viên này để cảm nhận rõ hơn.
https://www.instagram.com/p/BapyW7-BDTs/?taken-by=purnanguyenViệc tìm hiểu về giáo viên thật ra cũng chỉ mang tính chất tham khảo, giúp bạn hiểu rõ hơn về những người bạn sẽ học hỏi và luyện tập cùng nhau. Quan trong là bạn biết mình muốn gì, đi con đường nào, tìm kiếm điều gì ở yoga để xác định chọn trường phù hợp.

————-
Mình chọn Sivananda bởi Sivananda chuyên về yoga cổ truyền, thiền định và chay tịnh. Đây là các tiêu chí mình yêu thích. Thêm vào đó, mình học tập trung suốt 1 tháng, cách biệt gia đình, không bị phân tán năng lượng. Và mình hoàn toàn mãn nguyện với thời gian đó. Nhưng không có nghĩa Sivananda phù hợp với tất cả mọi người và cũng không phải ai cũng sắp xếp được thời gian chuyên tu như vậy. Vẫn không ít học viên khi vào chương trình học của Sivananda đã bàng hoàng, khó thích nghi và bỏ cuộc.
Tiêu chí lớn nhất của mình khi chọn chương trình học là được học tập trung, chương trình học đi sâu về bên trong tinh thần chứ không chỉ động tác và trường có danh tiếng thương hiệu rõ ràng. Mình xem yoga là con đường dài và mình không ngừng học hỏi, muốn đi sâu về gốc rễ của yoga, chứ không xem yoga là một bộ môn thể thao.
16730504 10158141953790363 1205861815080513619 n
Yoga giúp tâm trí mình thoải mái, minh mẫn và cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày
Bật mí nhỏ cho các bạn là sắp tới Purna lại xách ba lô lên đường …đi học Yoga Nâng Cao bằng 300 giờ. Còn học ở đâu, hoc gì, học như thế nào thì mình sẽ bật mí riêng trong các bài viết sau nhé.
Mong rằng với ít chia sẻ nho nhỏ, các bạn sẽ tìm được con đường thích hợp và tiếp tục tập luyện yoga nhé 😉 Hẹn gặp lại ở lớp học Purna nè!

Live Mindfully, Live Fully

Nhận những bài viết về yoga, phong cách sống, và hành trình phát triển bản thân – gửi trực tiếp đến hộp thư của bạn.

Similar Posts

4 Comments

  1. Cảm ơn Purna về bài viết hay và hữu ích.
    Mình cũng mới tốt nghiệp khóa 200h và cũng đang cần học kĩ hơn về cơ thể học để hiểu nhiều hơn về các asana cũng như điều chỉnh cho chính mình và người khác.
    Purna có thể cho mình vài lời khuyên về khóa học cơ thể học được không? Như học ở đâu thì tốt.
    Cảm ơn bạn nhiều nhé.
    Collect

  2. Bạn có thể cho m review về shinvom yoga hay traitimvang được k ? Mình cảm ơn

    1. Chào bạn,

      Do mình chưa trải nghiệm một khoá học nào từ hai trung tâm này nên mình không dám nhận xét.

      Cảm ơn bạn nhe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *