IMG 6534

[Hành trình trở thành IronMan] Sáng tỏ những ngộ nhận sai lầm khi tập ba môn phối hợp

Chào cả nhà,

Tiếp nối hành trình trở thành IronMan dài hơi của Purna, bản thân mình đã giác ngộ ra khá nhiều sai lầm cũng như học hỏi thêm nhiều bài học kinh nghiệm đáng giá trong quá trình tập luyện ba môn phối hợp. Mình xác định đây là một con đường dài đằng đẵng đòi hỏi sự kiên trì, bền sức, quyết tâm để vượt lên giới hạn bản thân. Cảm giác này không khác gì khi mình cố gắng theo đuổi Ashtanga Yoga dài lâu. Bởi hầu như mọi sự thành bại ở đời đều nằm ở sức mạnh tâm trí của bạn.

IMG 6117

Nào cùng Purna khám phá xem những ngộ nhận sai lầm trong quá trình bơi – đạp – chạy của mình là gì cũng như cách khắc phục thế nào nhé.

A. Bơi

IMG 6534

Nhờ có HLV bơi lội riêng mà mình đã ngộ ra những sai lầm to lớn thâm niên trong việc bơi lội bấy lâu. Quay lại quá khứ một chút, mình bắt đầu được học bơi từ năm lớp 7 tại trường cấp II. Bơi thật sự không phải là đam mê của mình nên Purna chỉ dừng lại ở việc biết bơi ếch, thậm chí còn chưa biết đứng nước. Mỗi khi gia đình đi du lịch, mình chỉ dám bơi trong hồ chứ chưa bao giờ dám bơi ra biển. Một phần bơi không giỏi, thở không tốt, một phần lớn là tâm lý “sợ chết” ngoài biển haha.

Rồi không ngờ có ngày mình phải đối mặt với yếu điểm này. Khi quyết tâm dự thi IronMan, mình không những phải bơi đúng kỹ thuật mà còn phải bơi nhanh, thở tốt và bền sức @@. Đó là những lí do mình theo học một HLV bơi lội riêng để được rèn luyện bài bản. Có vậy mới không bị sóng đập vô mặt rồi hoảng hồn bỏ cuộc giữa chừng khi ra thi đấu.

Trước đó, mình có thói quen quạt hai lần tay – hai lần chân mới hít thở một lần. Việc này khiến thời gian hít thở của mình bị rút ngắn, nhịp tim tăng cao, mất sức mà không thể bơi nhanh. Thói quen lâu năm một khi đã sai sửa lại rất khó. Khi bơi ếch, kỹ thuật đúng là đạp chân một lần – thở ra rồi quạt tay một lần – hít vào, nhịp nhàng lặp lại như thế. Mình phải mất một tuần mới dần dần sửa lại thói quen cũ, cảm giác làm quen nhịp mới thật sự rất khó chịu. Tuy nhiên, khi đã bơi đúng kỹ thuật, hơi thở mình tốt hơn, dài hơn, bền sức và bơi nhanh hơn.

Khi dự thi IronMan, Purna sẽ phải bơi sải là chính để đẩy nhanh tốc độ thi đấu. Tuy nhiên, bơi ếch lại là tiền đề căn bản giúp mình đứng nước tốt và tạm lấy lại sức khi quá mệt mỏi với việc bơi sải ngoài biển. Do đó, trong tháng đầu tiên, mình tập bơi ếch kết hợp với bơi sải. Ngoài cảm giác khó chịu khi sửa lại thói quen bơi ếch sai, cơ thể mình còn đau nhức đặc biệt vai – bắp tay – đùi khi học bơi sải. Mỗi khi xuống nước, đầu mình lúc nào cũng căng não nhớ đủ thứ từ kỹ thuật tay – chân – lưng – bụng haha. Không chỉ rêm người mà còn đau đầu nữa các bạn ơi!!! Bài học rút ra là học bất cứ điều gì mới hãy học thật kỹ lưỡng – thật đúng để không mất thời gian sửa lại thói quen sai.

Điều thứ hai quan trọng khi bơi mà mình giác ngộ ra là không nên gồng hay siết cơ quá mức. Do thói quen tập Ashtanga và Power Yoga, mình hay có thói quen siết core cũng như cổ chân. Đây chính là sai lầm cản trở biên độ hoạt động của cơ thể khi bơi. Khi xuống nước, cơ thể phải thả lỏng, bụng chỉ hơi ôm nhẹ vào trong, cổ tay cổ chân mềm, đặc biệt vai hông cần được xoay mở dễ dàng khi bơi sải. Mình là đứa quen chạy bộ nhanh, tốc độ bàn chân di chuyển liên tục – nhanh mạnh. Điều này không hề tốt khi bơi, chỉ khiến mình mất sức và nhịp tim tăng cao. Chân chỉ cần đều đặn- nhịp nhàng – thoải mái là cơ thể nổi lên tự nhiên, bền sức hơn.

Sai lầm thứ ba là hơi thở của mình. Khi tập yoga, mình quen việc hít thở sâu – hít vào sâu – thở ra hết hơi. Còn bơi, hơi thở chỉ nên ở ngưỡng 60-70% so với bình thường tức không hít vào quá sâu, cũng như không thở ra hoàn toàn. Lúc nào Purna cũng cần giữ lại ít khí trong phổi – hỗ trợ cơ thể nổi tự nhiên cũng như thời gian hít thở ngắn lại so với trên mặt đất.

Đó là những bài học kinh nghiệm đắt giá về bơi mà Purna muốn chia sẻ với mọi người. Những điều tưởng chừng đơn giản nhưng khi được làm đúng sẽ giúp công cuộc bơi lội tốt hơn, nhanh hơn, bền sức hơn.

B. Đạp xe

IMG 6502

Nói thật, quá trình trở thành IronMan là một quá trình “hành xác và đấu trí”. Trong tư tưởng của mọi người chắc hẳn việc đạp xe nhẹ nhàng thư giãn lắm đúng không?! Không đâu! Đó thật sự là một cuộc chiến giữa thể chất và tâm trí. Đạp dưới 10km thì chả nói gì nhưng khi các bạn luyện đạp đến hơn 90km thì sao haha. Đó là một câu chuyện dài hơi khác hoàn toàn.

Purna vừa trải qua một buổi kiểm tra kinh khủng do Huấn luyện viên nhà trồng “Yeuchaybo”. Anh lên bài test sức bền – sức mạnh đạp xe cho mình. Kinh dị! Mình đã phải hoàn toàn không tập bất cứ thứ gì trong hai ngày để dưỡng chân, dồn hết sức lực cho buổi kiểm tra ngày hôm đó. Mình phải đạp xe trong một tiếng với những thăng trầm lòi lõm đau đớn, có khi power đẩy lên cực điểm, có khi đòi hỏi sức bền giữ nguyên lực chân liên tục trong 20 phút. Vậy mà Purna cũng đã hoàn thành tốt đẹp. Đạp xong chỉ biết ngồi xuống thở thôi các bạn.

Ngoài việc cần trang bị một xe đạp đua tốt hơi “hao ví” thì việc chăm chỉ – kiên trì – tập đều bền sức là những yếu tố không thể thiếu. Mình thường xếp lịch đạp xe và bơi lội chung một ngày. Ngày đó cũng là ngày chân mình tan nát nhất, toàn thân ê ẩm. Không sao, mình tự chữa lành bằng Yin Yoga hồi phục lại cơ thể hihi. Mấy ai IronMan mà là cô giáo yoga đâu nhỉ hihi.

C. Chạy bộ

Sau đợt tranh đua 21km với yeuchaybo, mình đã bị chấn thương nhẹ kheo chân phải. Mình đã mất gần một tháng mới có thể hồi phục và chạy bộ lại bình thường. Nói thật, trong ba môn phối hợp, mình yêu chạy nhất. Mình thích cảm giác “run high” khi vượt qua mốc 10km.

CFAE8FC0 B4C2 43D1 A73D ADE046DDA22C

Trong quá trình bị thương, mình không bỏ cuộc và vẫn duy trì việc chạy nhẹ nhàng lại, luyện sức chịu đựng cho cơ chân tốt hơn. Thay vì chạy nhanh, mình chạy chậm từ 2-3km rồi lắng nghe quan sát cơ thể. Mỗi khi kheo chân báo hiệu đau là mình dừng lại đi bộ ngay. Thay vì chạy pace 4 hay 5, mình chạy pace 7 haha. Rồi trời cũng không phụ lòng mình, sau một tháng, mình hồi phục dần giờ có thể nhanh bình thường nhưng cần được quan sát cẩn thận hơn.

Bài học rút ra là mỗi khi chấn thương, đừng bỏ cuộc giữa chừng. Nhiều khi tâm trí bạn đã bền chí, hơi thở bạn đã tốt nhưng cơ thể chưa sẵn sàng cho những buổi chạy dài hay nhanh. Hãy tập dần lại – từng chút một – lắng nghe quan sát đến khi mọi thứ chín muồi và sẵn sàng trở lại.

Mới trải qua một tháng luyện IronMan mà Purna đã sở hữu thêm rất nhiều tài sản mới: một làn da nâu rám nắng vì bơi haha, một đôi chân khoẻ khi đạp xe – chạy bộ, một sự cảm nhận phối hợp toàn bộ cơ thể khi bơi và vô số bài học đắt giá về sức mạnh tâm trí.

Cảm ơn mọi người đã lắng nghe mình. Hẹn các bạn trong các bài viết tiếp theo nhe.

Cân bằng cơ thể – An lành tâm trí!

Mang sự cân bằng và năng lượng tích cực vào cuộc sống của bạn với các lớp Yoga trực tuyến từ Toyama, Nhật Bản. Cùng Purna luyện tập mọi lúc, mọi nơi, ngay từ không gian quen thuộc của bạn.

Đăng ký ngay để tham gia các lớp học thân thiện, phù hợp cho mọi cấp độ!

Similar Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *