[Hành trình trở thành IronMan] Áp lực 6 tuần cuối trước khi thi Olympic Triathlon

Chào mọi người,

Chỉ còn gần 6 tuần nữa thôi là Purna sẽ “lên thớt” dự thi 5150 Triathlon Phu Quoc 2022  . Thật lòng, mình đang mang một số áp lực tâm lý trong giai đoạn nước rút này. Tháng 10 là tháng sinh nhật của mình nhưng đồng thời là khoảng thời gian mình phải vào guồng tập luyện căng thẳng nhất. Trong bài viết ngày hôm nay, mình muốn chia sẻ những cập nhật mới nhất đến với những ai đang quan tâm theo dõi hành trình trở thành Ironman thật sự dài hơi của mình.

Bơi

Về phần bơi, mình vẫn duy trì 3 buổi/tuần trong đó có một buổi bơi dài và hai buổi rèn kỹ thuật. Hiện tại, mình đang tập trung hết công lực vào việc luyện bơi ếch nhanh và bền bởi đây chính là kỹ thuật bơi mình sẽ dự thi tại Phú Quốc trong tháng 11 cận kề.

Thành tích bơi nhanh nhất của mình là 2’52” kéo dài trong 600m đầu tiên. Tốc độ trung bình của mình trong 1.200m sẽ tầm 3’05” đến 3’08″/100m. Mình không dám so sánh bản thân với ai, chỉ tự phản chiếu bản thân so với thời điểm cách đây 3 tháng thì là một bước tiến vượt bậc. Từ bơi như rùa thì giờ Purna đã là một con rùa biết chạy haha.

Theo nhận xét của coach mình thì nếu ra thi Purna vẫn duy trì tốc độ bơi 3’05” đến 3’08” trong suốt 1.700m, ý chí kiên định không bỏ cuộc, vượt sóng to gió lớn ngoài biển thì mình có thể hoàn thành phần bơi tốt đẹp trước giờ giới hạn của ban tổ chức. Cầu cho thần linh phù hộ độ cho con một rùa “ăn rau” tập bơi như mình nhe.

Đạp

Ôi! Đạp xe! Đạp xe! Mình đã đến giai đoạn dắt chiếc xe đạp đua ra đường và thực hành thực tế. Từ lúc mua con xe “Cervelo P-Series” và bộ trainer chất lừ, Purna dường như chỉ tập đạp trong Paincave với phần mềm luyện ba môn phối hợp Zwift. Nếu ai luyện IronMan đều sẽ biết đến Zwift, đây là một phần mềm luyện tập đạp xe – chạy bộ tại gia cực kỳ tiện lợi với nhiều bài tập, giáo trình tuỳ theo mục đích tập luyện.

Với một người mẹ hai con kiêm luôn hướng dẫn viên yoga thì việc sáng sớm 3:30 mở Zwift lên đạp 30-40km hoặc hơn là vô cùng thuận tiện. Tuy nhiên, khi đi thi, chúng ta không thể đạp ảo mà phải đối mặt với sương gió bụi đường ;)).

Mọi người có hiểu được cảm giác lần đầu tiên ngồi lên một chiếc xe đạp đua tập giữ thăng bằng sợ hãi và căng thẳng thế nào không?! Xe cao nên lúc nào mình cũng phải nhón chân kèm theo việc hạn chế bóp thắng mà phải kiểm soát lực chân để lấy đà lên xe và dừng xe, rồi chỉnh đề chỉnh dĩa xe. Mất chú ý một chút, hay mất bình tĩnh là cả xe và người đổ ngang, ngã vỡ mặt. Thật lòng mình sợ lắm! Nói ra buồn cười ha, thi đến nơi mà sợ đạp xe đua ra đường. Những lúc như vậy, mình tự ngộ mình vẫn là “phái yếu” mà, vẫn yếu đuối, vẫn sợ đau, sợ xấu chứ!

Nhưng sợ hãi không giải quyết được gì, chỉ có cách biết đối mặt, vượt qua bản thân và chiến thắng thôi đúng không nào. Đó là lí do trong 6 tuần cuối này, mình sẽ luân phiên 1 tuần đạp xe ngoài đường và 1 tuần “chiến nảy lửa” trên Zwift để vừa làm quen dần với việc đua xe ngoài đời thực mà vẫn tăng cường lực đạp trong lúc luyện tập.

Chạy

Chạy bộ lại là một câu chuyện dài hơi khác. Mình là thể loại chạy nhanh nước rút á các bạn. Tức mình có thể đẩy tốc độ lên rất cao lên đến pace 4’00” nhưng không thể duy trì tốc độ cao đó quá lâu. Do đó, để đối phó với 21km sau khi đã bơi 1.900m, đạp 90km thì má ơi, không thể chạy nhanh được đâu haha. Do đó, mình phải kiềm hãm, tiết chế bản thân từ những km đầu tiên để duy trì tốc độ phù hợp hoàn thành 21km mà không bị “gãy” giữa chừng. Các bạn biết một khi đã “gãy” ngang giữa lúc thi đấu thì nguy cơ bỏ cuộc rất cao.

Thật lòng, bơi-đạp-chạy không có cái nào “dễ nuốt” đâu bạn ơi. Đây là một cuộc chiến khốc liệt và mình là một chiến binh thật non nớt. Những lúc tan nát với ba môn phối hợp, mình lại tìm về thảm và Ashtanga để ý thức về bản thân nhiều hơn. Về Ashtanga thì cũng không hoàn toàn “thoải mái” đâu haha. Đó là một cuộc chiến tâm lý và thể lực khác mà mình sẽ chia sẻ trong bài viết khác. Không sao, miễn mình đang yêu những gì mình làm, theo đuổi những gì mình đam mê là được.

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe mình. Hẹn các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé.

Purna.

Similar Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *