Làm thế nào để không bị đau cổ tay khi tập yoga?!
Hi there,
Các bạn đã tập yoga bao giờ chưa hay chưa bao giờ trải nghiệm?!Nếu đã từng tập yoga, chắc không ít bạn bị hội chứng đau cổ tay trong lúc tập đặc biệt là người mới bắt đầu. Đây là hiện tượng khá phổ biến do người tập phân bổ lực không đồng đều khi đặt tay trên thảm.
Do khá nhiều học viên than vãn bị đau mỏi cổ tay khi vào các thế yoga chống tay từ cơ bản (như thế chó úp mặt – Downward Facing Dog) cho đến các tư thế thăng bằng tay nâng cao (như Handstand) nên Purna muốn chia sẻ ngay với mọi người bí quyết hay “Làm thế nào để không bị đau cổ tay khi tập yoga?!”
Để giải đáp câu hỏi này, chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu về cấu tạo – chức năng của bàn tay và đi sâu phân tích nguyên nhân gây ra chứng đau cổ tay khi tập yoga nhé.
Tìm hiểu về cấu tạo và chức năng của bàn tay
Bàn tay là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể con người, nằm ở vị trí cuối cùng của cánh tay. Nó được thiết kế chuyên để cầm nắm từ vật thể lớn cho đến các vật thể phức tạp và bé nhỏ hơn. Các ngón tay là nơi tập trung dày đặc các dây thần kinh, cũng là nơi nhận nhiều phản hồi xúc giác nhất, và là nơi định vị lớn nhất trên cơ thể người. Vì vậy, ý thức liên lạc của con người liên hệ mật thiết với hai bàn tay.
Tuy nhiên, vì phần lòng bàn tay bị lún vào (cung bàn tay) không nhiều bằng lòng bàn chân nên khả năng giữ trọng lượng cơ thể trên đôi tay thường kém hơn đôi chân.
Nguyên nhân gây ra hội chứng đau cổ tay khi tập yoga
Ở các tư thế chống đẩy, mọi người thường hay bị đau cổ tay. Lý do đơn giản là do lực dồn quá nhiều vào cổ tay mà không phân tán đều ra những vùng khác. Đây là điều mình thường xuyên nhắc nhở học viên khi vào các tư thế chống tay trên yoga.
Ngoài việc phân bổ lực trên bàn tay không đồng đêù, nguyên nhân thứ hai có thể xuất phát từ việc bạn xòe rộng và căng các ngón tay quá nhiều hay còn gọi kích hoạt cơ quá mức. Khi ấy cung bàn tay sẽ bị mất độ cong tự nhiên nếu các ngón tay xòe quá căng.
Làm như thế nào để không bị đau cổ tay khi tập yoga?!
Bạn quan sát hình bên trên rồi thử đặt tay xuống thảm và cảm nhận xem mình đang phân bổ lực như thế nào giữa các điểm trên bàn tay. Các gốc ngón tay và các đầu ngón tay là những nơi chịu lực chính khi chúng ta chống tay. Đặc biệt là ngón cái và ngón thứ hai lực đổ dồn chính về đó.
Phần cổ tay là nơi các bạn tránh đặt quá nhiều trọng lực sẽ dẫn đến hội chứng đau cổ tay khi tập yoga. Điểm lõm giữa lòng bàn tay nên được kéo hướng lên để bảo vệ đường cung tự nhiên của lòng bàn tay. Và các bạn nên lưu ý khoảng cách giữa ngón tay cái và ngón tay thứ hai nên hạ chạm sàn không được nhấc lên thì lực sẽ được phân bố một cách đồng đều hợp lý trên bàn tay.
Tiếp theo, các bạn kéo 5 ngón tay theo 5 hướng tự nhiên, biên độ mở giữa các ngón tay vừa phải không quá rộng cũng không quá hẹp.
Với cách sắp xếp và phân bổ lực hợp lý trên bàn tay, các bạn sẽ không còn phải lo lắng đau cổ tay khi tâp yoga nữa. Quan trong nhất vẫn là ý thức và cảm nhận cơ thể khi tập yoga sẽ giúp bạn tìm ra sự thoải mái trong cách di chuyển trên thảm của chính bản thân mình. Purna chúc các bạn tập tốt nhé!