Tìm hiểu về ngành khoa học cuộc sống cổ xưa nhất Ayurveda – Phần 1: Cơ thể vật chất
Hi there,
Hôm nay Purna muốn chia sẻ với các bạn một chủ đề hoàn toàn mới mẻ mà lần đầu tiên mình nghiên cứu sâu. Đó là về Ayurveda. Chắc một số ít các bạn đã nghe loáng thoáng về Ayurveda đa phần về chế độ ăn uống lành mạnh cũng như bí quyết giữ gìn thanh xuân. Tuy nhiên, Ayurveda không đơn thuần chỉ có thế bởi đây được xem là một ngành khoa học cuộc sống, ngành khoa học y học cổ truyền lâu đời nhất có bề dày lịch sử 5000-6000 năm.
Cũng chỉ là một người học trò yoga, Purna vẫn đang dấn thân tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng những bài học của Ayurveda vào đời sống hằng ngày. Trong bài viết đầu tiên, mình muốn chia sẻ một số kiến thức cơ bản về Ayurveda liên quan đến cơ thể vật chất để các bạn dễ dàng tiếp cận hơn với ngành khoa học vàng vĩ đại này nhé.
1. Ayurveda là gì?
Ayurveda là một hệ thống trị liệu tự nhiên toàn diện, tác động trên nhiều phương diện cuộc sống như cơ thể vật chất, tâm trí, cảm xúc và tinh thần. Thuật ngữ Ayurveda là sự kết hợp của hai chữ Phạn, ayur nghĩa là cuộc sống và veda nghĩa là khoa học. Do đó, Ayurveda được biết đến như một ngành khoa học toàn diện về sức khỏe, tập trung vào việc duy trì một trạng thái cân bằng về thể chất và tinh thần.
Ayurveda có lịch sử khoảng 5.000 – 6.000 năm xuất sứ từ các nhà sư Ấn Độ nhằm tìm kiếm những cách thức và quy luật giữ cho cơ thể và tinh thần được khỏe mạnh. Xem cơ thể mình như đền thờ, các tu sĩ tin cho rằng việc bảo vệ sức khỏe của họ sẽ giúp họ thiền định và phát triển tâm linh.
Trải qua mấy nghìn năm quan sát, họ tập hợp tất cả các kết luận, lời khuyên về những gì nên làm và không nên làm nhằm lưu truyền lại cho các thế hệ tương lai. Bộ sưu tập kiến thức này đã được biết đến như “khoa học hay kiến thức về cuộc sống” – Mà chúng ta biết đến với cái tên Ayurveda.
2. Mục đích của Ayurveda
Ayurveda được tôn thờ là hệ thống trị liệu sức khỏe lâu đời nhất trên Thế giới. Không chỉ dùng lại ở tác dụng y học, mục đích chính của Ayurveda là đem đến cho mọi người một lối sống khỏe mạnh và một tâm trí yên bình.
3. Tìm hiểu về Ayurveda qua cơ thể vật chất
Lượng kiến thức về Ayurveda vô cùng khổng lồ và vô tận. Do đó trong phần một, Purna chỉ liệt kê một số điểm thật căn bản và dễ hiểu nhất về Ayurveda qua cơ thể vật chất để các bạn bắt đầu làm quen với các nguyên tố tự nhiên cũng như các Doshas.
a. 5 nguyên tố cơ bản
5 nguyên tố cơ bản được xem như yếu tố cốt lõi của Ayurveda, đưa ra nền tảng giúp bạn hiểu được chính mình và Thế giới xung quanh. Đây được xem là 5 nguyên tố căn bản nhất của vũ trụ, cấu thành nên mọi vạn vật trong đời sống.
- Đất: thể trạng rắn, đại diện cho cấu trúc và sự bền vững.
- Nước: thể trạng lỏng, đại diện cho sự gắn kết, linh hoạt.
- Lửa: thể trạng biến đổi, đại diện cho sự biến đổi từ rắn thành lỏng và thành khí.
- Không khí: thể trạng khí, đại diện cho sự chuyển động.
- Không gian: là phạm trù xác định cách thức tồn tại của chủ thể vật chất ở một vị trí nhất định, kích thước nhất định, khung cảnh nhất định trong tương quan với khách thể khác.
Với cơ thể vật chất, 5 nguyên tố cơ bản này sản sinh ra dhatus (mô cấu hình), malas (chất thải) và doshas.
b. 3 Doshas
Doshas điều khiển toàn bộ hệ thống sinh học, sinh lý học cũng như tâm lý học trong cơ thể vật chất của con người. Mỗi người đều có tất cả ba Doshas: Vata, Pitta và Kapha, nhưng thường là một hoặc hai chiếm ưu thế.
- Vata: hình thành từ nguyên tố không khí và không gian.
- Pitta: hình thành từ nguyên tố lửa và nước.
- Kapha: hình thành từ nguyên tố nước và đất.
Tỷ lệ Dosha trong cơ thể mỗi người là khác nhau nên dùng để xác định những đặc điểm sinh lý và tính cách của riêng mỗi người.
Năng lượng Vata tùy hứng và không đều đặn, giống như gió thổi mạnh nhưng không đều. Tuy nhiên nếu chúng ta cản trở nó, nó sẽ chạy trốn hoặc bị phá vỡ. Vata cần phải được kiềm chế một cách nhẹ nhàng và ổn định.
Năng lượng Pitta tập trung, xuyên thấu và có thể gây ra thương tích. Nó giống như ánh sáng mạnh làm đau mắt, tuy tỏa sáng trong một phạm vi nhỏ nhưng nếu mở rộng sẽ có thể có một sức mạnh thực sự.
Năng lượng Kapha có nhiều sự chống cự và tự mãn. Nó cần được sự dịch chuyển và kích thích theo mức độ, giống như nước đá, cần phải được làm tan từ từ đến khi nó có thể chạy một cách mượt mà.
4. Dạng cơ thể và tính cách theo từng dosha
Dạng Vata
Người trội Vata thường gầy và cao lêu nghêu. Họ là những người rất năng động về thể chất lẫn tinh thần. Họ thích những trải nghiệm sáng tạo, gặp gỡ bạn bè mới và đi đến những nơi chốn mới. Khi ở trạng thái cân bằng, người trội Vata rất uyển chuyển, có trí tưởng tượng sinh động, luôn nghĩ về những ý tưởng độc đáo. Nhưng khi mất cân bằng, người Vata rất dễ lo lắng, khó hoàn thành công việc.
Cơ thể họ thường bị lạnh và khô, nên họ rất thích thời tiết ấm và ẩm. Người Vata thường bị chứng tay chân lạnh, táo bón, da khô, và khớp kêu răng rắc. Yếu tố khí trội ở người Vata, dẫn đến năng lượng, tâm trạng, cảm giác thèm ăn của người Vata thay đổi thất thường.
Vì vậy người Vata thường ăn và ngủ không điều độ, hay lạm dụng thức ăn để kiểm soát bản thân cũng như uống những thức uống có chất kích thích như café, nước ngọt để duy trì hoạt động thể chất và tinh thần cao độ của mình. Người Vata trội lại còn nhạy cảm thường gặp chứng mất ngủ và kháng thể kém.
Dạng Pitta
Yếu tố lửa là yếu tố trội trong người trội Pitta, vì vậy họ có cá tính mạnh mẽ, sôi nỗi nhưng cũng dễ cáu kỉnh. Người trội Pitta dễ nhận diện với thân hình vừa phải, dễ có cơ bắp săn chắc. Người Pitta dễ bị bắt nắng, bị ửng đỏ khi tập thể dục, khi được mát xa. Đây là những người có nghị lực và họ có khả năng làm tốt những gì họ cho là đúng.
Dù làm hay chơi, họ đều thể hiện sự sôi nổi và tính cạnh tranh như nhau. Họ là những cá nhân có tố chất lãnh đạo, học nhanh, dễ nắm bắt kiến thức và thành thạo kĩ năng mới. Chính vì vậy, người Pitta dễ phán xét người khác và mất kiên nhẫn với những ai bị cho là chậm chạp và kém tập trung.
Người Pitta tiêu hóa tốt, là người có sở thích ăn uống và thích chấp nhận thử thách. Pitta hay gặp những vấn đề sức khỏe như viêm, phát ban, mụn nhọt, và đi phân lỏng. Để cân bằng dosha, người Pitta nên học cách kiểm soát tính nóng nảy, chuyển năng lượng đó vào những việc tích cực và hiệu quả hơn và cũng nên học cách nhận diện năng lượng tiêu cực và kịp thời chỉnh sửa bản thân.
Dạng Kapha
Người Kapha nổi trội là những người có thân hình to khỏe và yêu thích vận động thường xuyên để kiểm soát cân nặng của mình vì Kapha dễ bị tăng cân. Tạng Kapha trội chịu ảnh hưởng nhiều từ yếu tố đất và nước, nên họ có tính cách ổn định, từ bi và trung thành. Họ chuộng làm những việc có tính khoa học, qui trình và duy trì công việc và cuộc sống cá nhân với những cách thức quen thuộc. Khi trượt ra khỏi điểm cân bằng, họ dễ nản chí, bướng bỉnh và dễ bằng lòng với cái cũ cho dù lúc đó họ cần thay đổi.
Sự trao đổi chất trong cơ thể của người Kapha thường chậm. Họ cũng không thèm ăn như người Vata hoặc Pitta. Chính vì bản chất này, sẽ tốt hơn cho người Kapha nếu họ thay đổi môi trường sống, gặp gỡ nhiều bạn bè mới, và thỉnh thoảng nhịn ăn.
Ngoài ra, còn có dạng người trội hai hoặc ba dosha. Những người tạng trội hai dosha được xem như là “phân thân”, theo nghĩa là tùy vào hoàn cảnh cụ thể mà một dosha nào đó sẽ chiếm ưu thế hẳn. Người trội cả ba dosha có thể là người rất mạnh mẽ, ổn định và lại có khả năng thích nghi tốt khi ở trạng thái cân bằng. Nhưng khi mất cân bằng, sức khỏe của họ trở nên tồi tệ.
————
Mình vừa hoàn thành xong phần đầu tiên tìm hiểu mối liên kết giữa ngành khoa học cuộc sống Ayurveda và cơ thể vật chất con người. Đọc đến đây chắc các bạn phần nào đã định dạng được mình thuộc loại dosha nào rồi phải không nè. Từ đó, chúng ta hiểu rõ hơn về cấu trúc cơ thể, tính cách cũng như điều chỉnh để có chế độ sống, ăn uống lành mạnh và phù hợp hơn.Trong phần tiếp theo, mình sẽ đề cập sâu hơn về các kiến thức Ayurveda liên quan đến tâm trí con người.
Chúc các bạn ngày mới vui vẻ 😉
Chào Purna, Mình đang tìm hiểu về Ayurveda và cũng muốn học sâu hơn về Ayurveda. Bạn có thể cho mình 1 vài lời khuyên và thông tin về khóa học Ayurveda ở Viêt nam được không? cảm ơn bạn nhiều
Ở Sài Gòn có một số workshop nhỏ về Ayurveda nhưng mình chưa có dịp tham dự. Còn khóa học 100g Ayurveda bên Chiang Mai thì tương lai mình sẽ hoàn thành. Bạn có thể lên website của Sivananda hoặc Anusara để xem các khóa học ngắn hạn về Ayurveda nhé.
Biểu hiện về thể khí và linh hồn ở 3 dosha là như nào bạn nhi
Chào bạn, mình chưa nghiên cứu đủ sâu để trả lời câu hỏi này. Khi mình đủ kiến thức hơn mình sẽ có dịp quay lại phúc đáp cho bạn nhé. Cảm ơn bạn đọc blog của mình.
Thể khí ở vata là âm nhiều, bằng chứng dễ nhận thấy tay chân họ sẽ bị lạnh nhiều vào mùa đông. Ở pitta là dương nhiều, tay chân ấm vào mùa đông. Kapha thì năng lượng ổn định. Vata thì thèm ăn không nhất quán, ăn uống thất thường. Pitta thèm ăn và khát nước, chuyển hoá năng lượng ở pitta mạnh ở vata đa dạng. Còn kapha thì chậm nên họ ko thèm ăn như vata vs pitta. Thể khí ở đây chính là cảm nhận nóng lạnh đói khát. Còn thể linh hồn đó là niềm hân hoan phúc lạc. Vata là gặp gỡ nhiều ng, làm công việc có tính sáng tạo , đc tự do. Pitta là đc yên tĩnh, đc sống trong thế giới riêng. kapha thì phải làm những việc có tính kích thích, kéo họ đi lên theo hướng tích cực, gặp gỡ bạn bè, thường xuyên dọn dẹp không gian sống và thay đổi môi trường sống