Ashtanga Yoga – Yoga của sức mạnh và linh hoạt
Hi there,
Dạo gần đây, nếu mọi người có theo dõi Facebook/ Instagram của Purna chắc sẽ biết được mình vừa hoàn thành xong một khóa học ngắn hạn về Ashtanga Mysore. Ashtanga là một trường phái yoga ngày càng được nhiều người đam mê và theo đuổi bởi mỗi ngày cả cơ thể và tâm trí đều được rèn luyện về sức mạnh và sự linh hoạt.
Khi vừa “lấn sân” sang Ashtanga Yoga, mình trót yêu ngay lần đầu tiên gặp gỡ. Có thể nói nếu bạn tập tốt Ashtanga Yoga, bạn gần như tập được mọi thể loại yoga khác. Tuy nhiên, để làm được điều này hoàn toàn không hề dễ dàng. Ashtanga đòi hỏi bạn một niềm đam mê cháy bỏng, một sự kiên trì dài lâu, một sự tập trung cao độ trong việc di chuyển và hít thở chính xác khi luyện tập trên thảm. Bởi sự đa dạng phức tạp này mà Ashtanga luôn thúc đẩy mình liên tục cố gắng, không ngừng học hỏi và vượt qua giới hạn bản thân.
Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ với các bạn đôi nét về Ashtanga Yoga để mọi người hiểu rõ hơn Ashtanga là gì, nguồn gốc, lịch sử cũng như tập Ashtanga yoga là như thế nào nhé. Ai biết được sau bài viết này của Purna, lực lượng fan cuồng của Ash lại gia tăng thêm nữa phải không nào hihi.
Ashtanga Yoga là gì?
Ashtanga yoga trong tiếng Phạn có nghĩa là 8 bước hay 8 nhánh của Yoga. Asht có nghĩa là 8, Anga có nghĩa là thân thể hay bộ phận của cơ thể con người. Một trong những trường phái yoga cổ xưa và rất phổ biến ở Ấn Độ, bao gồm tất cả các khía cạnh của yoga.
Ashtanga yoga còn có tên gọi khác là Patanjali yoga hay Raja yoga. Là tập hợp các tư thế yoga mạnh mẽ, tập trung vào việc thống nhất hơi thở với những chuyển động nhanh, làm sạch và lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng, tăng cường sức sống.
Nguồn gốc của Ashtanga Yoga?
Ashtanga có nguồn gốc từ một văn bản cổ gọi Korunta Yoga, được viết bởi Vamana Rishi, sau đó được truyền lại cho Sri T. Krishnamacharya vào đầu những năm 1900. Sau đó Ashtanga yoga lại tiếp tục được lưu truyền bởi Ông Pattabhi Jois trong quá trình học với Ông Krishnamacharya từ năm 1927.
Mục đích của Ashtanga Yoga?
Mục đích chính của việc thực hành Ashtanga Yoga là thanh tẩy cơ thể và tâm trí. Bằng những động tác mạnh mẽ, cách thức di chuyển liên tục, hơi thở sâu khiến bạn sẽ đổ rất nhiều mồ hôi qua da. Đây là một hình thức lọc rửa cơ thể và tâm trí trong quá trình bạn tập trung tập luyện.
Lợi ích của Ashtanga Yoga?
- Giúp cơ bắp trở nên dẻo dai.
- Thanh tẩy cơ thể
- Tăng cường sức mạnh
- Giảm stress, giải tỏa căng thẳng
Thực hành Ashtanga như thế nào?
Ashtanga My Sore là một dạng thực hành truyền thống trong đó nỗ lực bản thân, sự kiên trì, tính nhẫn nại là những nhân tố chính quyết định trong quá trình tập luyện. Bạn sẽ di chuyển theo những chuỗi các động tác cố định của Ashtanga từ đơn giản đến phức tạp với nhịp độ hơi thở của bản thân. Bạn có thể tự thực hành hoặc dưới sự giám sát của người hướng dẫn có kinh nghiệm. Tuy nhiên 99% nỗ lực bản thân và ý thức luyện tập mỗi ngày chính là chìa khoá vàng để bước vào thế giới của các Ashtangi.
Vì động tác mạnh mẽ, hơi thở sâu, di chuyển chính xác và tập trung cao độ khi luyện tập Ashtanga nên mình khuyên là người mới làm quen với yoga không nên thử sức với Ashtanga. Bạn nên tham gia các lớp yoga căn bản, xây dựng nền tảng asana tốt cũng như làm quen với việc hít thở đúng cách trước tiên. Nếu vội vàng lao vào tập thử Ashtanga, chuyện chấn thương rất dễ xảy ra. Ngay cả người hướng dẫn yoga như Purna cũng không tránh khỏi việc đau người, rêm nhức sau mỗi 90 phút Ashtanga đấy.
Mình muốn đem đến những thông tin thật căn bản và dễ hiểu để các bạn có thể hình dung Ashtanga là như thế nào. Nếu thật sự yêu thích Ashtanga, hãy trau dồi kiến thức yoga và không ngừng tập luyện.
99% thực hành, 1% lý thuyết mà thôi!
Hẹn gặp các bạn ở những bài viết sau về hành trình theo đuổi Ashtanga Yoga của mình nhé.